Cua Cà Mau rớt giá, thuỷ sản đi Trung Quốc tồn đọng lớn
Cua Cà Mau nay giảm chỉ còn một nửa giá so với trước Tết. Trong khi thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh corona. Các doanh nghiệp xuất sang thị trường này đang bị tồn kho lượng hàng lớn.
Giá cua biển giảm 50%
Ngoài dưa hấu, mít Thái, thanh long,... những ngày này, người nông dân nuôi cua biển ở Cà Mau cũng đang đứng ngồi không yên vì mặt hàng này rớt giá thảm, ế đống dồn chợ. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona, cua biển không thể xuất đi Trung Quốc.
Tại huyện Nam Căn (Cà Mau) giá cua biển giảm một nửa so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, cua gạch loại ngon nhất giá trước Tết là 650.000 đồng/kg, nay giảm còn 320.00 đồng/kg. Cua y loại loại 1 cũng giảm còn 250.000 đồng, cua y loại 2 giá còn 150.000 đồng.
Tại huyện Cái Nước (Cà Mau), ông Nguyễn Văn Lượm, một hộ nuôi 3ha cua biển cho biết, trước Tết Nguyên đán ông bán cua gạch giá khoảng 650.000 đồng/kg, cua y 300.000-450.000 đồng/kg tùy loại. Nay giá cua giảm chỉ còn bằng một nửa so với trước Tết.
“Từ mùng 3 Tết đến giờ, thương lái còn không thu mua cua biển trong dân vì không xuất được sang thị trường Trung Quốc khiến giá cua biển ở địa phương giảm mạnh”, ông than thở.
Theo các thương lái thu mua cua biển tại Cà Mau, Trung Quốc là thị trường tiêu thu chính cua biển ở Cà Mau. Dịp này bên đó không nhập nên vựa cua chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thu tại thị trường nội địa, quán ăn, nhà hàng,...
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thừa nhận, giá cua biển các loại giảm mạnh, có nơi thương lái không thu mua vì không có đầu ra do virus corona. Tỉnh đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương nắm sát tình hình dịch bệnh, nhằm đưa ra khuyến cáo kịp thời cho nông dân. Hiện Sở NN-PTNT Cà Mau khuyến cáo người dân chậm thu hoạch cua chờ theo dõi diễn biến của thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội thủy sản huyện Năm Căn, mỗi vụ cua dao động từ 4-6 tháng, nông dân chủ yếu nuôi theo kiểu gối vụ nên thời điểm nào cũng có cua đến lứa thu hoạch, nông dân bắt buộc phải thu hoạch, nếu không cua sẽ chết hoặc bỏ đi hết. Vì thế, không xuất khẩu được cua sang thị trường Trung Quốc sẽ khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nông dân đành chấp nhận bán với giá rẻ, lựa chọn vựa mua giá cao để bán chứ không còn cách nào khác, ông Trung cho hay.
Thuỷ sản xuất sang Trung Quốc gặp khó
Không chỉ cua biển, với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc cũng là thị trường lớn. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2019 xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang thị trường 1,4 tỷ dân này vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 tăng 36,2% so với tháng 11/2019. Trong đó một số sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh như: tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%.
Song, báo cáo của Bộ cũng nêu rõ, trong Quý I/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu khiến xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: “Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus corona chưa có, nhưng chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng”.
Cũng theo ông Nam, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngưng hết. Một số khách hàng họ không sang, nhưng đánh giá từ xa.
Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet. Tại Trung Quốc, những khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngưng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.
Ông Nam nhận định, rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Theo đó, có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất không tác động nhiều. Trước hết, những nhà làm ăn chân chính, Việt Nam chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn.
Cơ hội thứ hai, một số mặt hàng Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, hiện các nước không mua nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả, ông Nam cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận