“Cú tát trời giáng” ở thị trường Mỹ với đại gia Dương Ngọc Minh; Chứng khoán "náo loạn"
Trong khi thị trường chứng khoán “lãnh đủ” với tuyên bố của ông Donald Trump về việc tăng thuế lên hàng hoá Trung Quốc thì cổ phiếu của “vua cá” Dương Ngọc Minh còn bị “vùi dập”, giảm phiên thứ 7 liên tiếp do bất ngờ với kết quả áp thuế vào thị trường Mỹ.
Cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/5 tiếp tục hứng chịu đợt bán tháo mạnh của nhà đầu tư và giảm sàn phiên thứ 7, giá giảm còn 4.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, mã này vẫn đang bị duy trì diện kiểm soát đặc biệt.
Diễn biến bất lợi của cổ phiếu HVG cho thấy, thông tin về kết quả bị áp thuế cao tại thị trường Mỹ vẫn đè nặng tâm lý cổ đông HVG bất chấp việc công ty này vừa báo lãi quý 2 (kỳ tài chính 31/12/2018-31/3/2019).
Ông Dương Ngọc Minh đã có tính đến rủi ro với POR14, nhưng cổ đông của ông tỏ ra không khỏi bất ngờ và thất vọng
Trong kỳ, HVG ghi nhận sự lao dốc của doanh thu thuần xuống 1.302 tỷ đồng, bằng phân nửa cùng kỳ. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt giá vốn cũng như các loại chi phí (chi phí tài chính giảm 42%, chi phí bán hàng giảm 50% và chi phí quản lý giảm 74%), giảm lỗ liên doanh liên kết từ 37 tỷ đồng còn 8 tỷ đồng; giảm lỗ khác từ 15 tỷ đồng xuống 1,6 tỷ đồng… điều đó dẫn đến mức lãi ròng quý 2 của HVG là 6,7 tỷ đồng.
Tính ra 6 tháng đầu năm tài chính 2019, HVG đã lãi 27,6 tỷ đồng và lỗ luỹ kế của HVG đến 31/3/2019 giảm còn 398 tỷ đồng. Tuy vậy, với kết quả này, HVG mới hoàn thành gần 28% kế hoạch năm về lợi nhuận.
Nửa còn lại của năm sẽ còn khó khăn hơn với ông Dương Ngọc Minh khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế đợt x xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 01/08/2016 đến 31/07/2017 của HVG là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Một vấn đề tại HVG đang khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi lớn là khoản phải thu ngắn hạn ở mức cao. Đặc biệt trong kỳ vừa rồi đã tăng thêm 700 tỷ đồng lên 4.752 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch đầu tuần này, dưới áp lực bán mạnh, các chỉ số trên thị trường đều đã giảm sâu. VN-Index mất 16,17 điểm tương ứng 1,66% còn 957,97 điểm còn HNX-Index mất 1,46 điểm tương ứng 1,36% còn 105,42 điểm.
Có tổng cộng 452 mã cổ phiếu giảm giá, 42 mã giảm sàn, hơn gấp đôi so với số mã tăng là 206 mã và 29 mã tăng trần.
Phiên này, thị trường chịu tác động đáng kể của tình trạng giảm giá tại các mã vốn hoá lớn. Theo đó, việc GAS sụt giá mạnh đã khiến VN-Index bị kéo sụt 2,68 điểm; VHM cũng lấy đi của VN-Index tới 1,43 điểm. Mức tác động mà BID và VNM gây ra cho chỉ số là 1,14 điểm và hơn 1 điểm.
Ở chiều ngược lại, một số mã cổ phiếu vẫn giữ được trạng thái tăng như LGC, BHN, GTN, VCF… song mức độ ảnh hưởng của những mã này đến chỉ số chính VN-Index là không đáng kể.
Thanh khoản trong phiên thị trường giảm điểm sâu này đã cho thấy có sự cải thiện nhờ lực cầu bắt đáy. Có tổng cộng 155,65 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 3.273,03 tỷ đồng đã đổ vào sàn này trong phiên đầu tuần. Con số này trên HNX là 40,55 triệu cổ phiếu tương ứng 417,67 tỷ đồng.
Theo BVSC, việc ông Trump lên tiếng trên Twitter rằng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc từ mức 10% lên mức 25% vào thứ 6 (10/05/2019) và có thể sẽ áp thêm 25% thuế nhập khẩu lên 325 tỷ USD hàng hóa còn lại có xuất xứ từ nước này xuất phát từ việc Tổng thông Mỹ đã tỏ hết kiên nhẫn trước việc tiến độ đàm phán thương mại đang diễn ra một cách hết sức chậm chạp.
Phía Trung Quốc có ý định muốn đàm phán lại các điều khoản đã được thỏa luận và đồng ý trước đó về các vấn đề liên quan đến cơ chế chuyển giao công nghệ, bản quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó đe dọa này được ông Trump đưa ra nhằm buộc Trung Quốc nhanh chóng đi tới thỏa thuận.
Các chuyên gia phân tích của BVSC cho biết, việc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có khả năng tiếp diễn và leo thang là 1 tin bất ngờ mang tính tiêu cực đối với thị trường, khiến phái sinh tương lai của chỉ số Dow Jones giảm gần 500 điểm và các chỉ số của các thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên hôm nay, trong đó nổi bật nhất là chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 5%.
Đối với TTCK Việt Nam, việc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo tháng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước khiến cho thị trường giảm điểm.
Thêm vào đó, việc này có thể gây hoang mang cho các nhà đầu tư khiến dòng tiền chảy vào thị trường mới nổi và cận biên có thể dừng lại hoặc bị đảo ngược xu hướng và chảy vào các kênh đầu tư tránh bão.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị tác động tiêu cực cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận