Cú sụt thử thách niềm tin và dòng tiền
Cú giảm giá bất ngờ của thị trường chứng khoán cuối phiên giao dịch ngày 6/7 tạo ra thử thách lớn với dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư, trong môi trường giao dịch từ rủi ro nghẽn lệnh chuyển sang đứt đoạn do chưa tương thích hệ thống mới.
Cú sụt bất ngờ
Việc thị trường có nguy cơ điều chỉnh sau khi liên tục tăng cao đã được cảnh báo từ trước, nhưng cách điều chỉnh bằng một cú sụt mạnh của hầu hết cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán về giá sàn trong 30 phút giao dịch cuối phiên thực sự là bất ngờ cho các chủ thể tham gia thị trường.
Chỉ trong khoảng 15 phút cuối phiên chiều 6/7, lực bán trên thị trường tăng vọt khiến chỉ số lao dốc, VN-Index giảm 56 điểm, tương ứng giảm 4% so với phiên liền trước.
Thị trường được cảnh báo điều chỉnh trong bối cảnh mặt bằng giá gần như liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử.
Trong tháng 6, VN-Index tăng 6,06% so với tháng 5, đạt 1.408,55 điểm (lũy kế 6 tháng tăng 27,5%), ấn tượng hơn các thị trường khác như SET của Thái Lan giảm 0,36%, KOSPI của Hàn Quốc tăng 2,58%, S&P 500 của Mỹ tăng 2,09%.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại TP.HCM và lan ra các tỉnh miền Nam dẫn tới giãn cách xã hội cũng đã được cảnh báo.
Yếu tố thị trường đáng lưu ý là những phiên cuối tháng 6, khi một số công ty chứng khoán lớn hạn chế cho vay giao dịch ký quỹ (margin) để kết sổ báo cáo bán niên 2021 thì nhiều cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng có diễn biến giá tích lũy (dao động nhẹ hoặc giảm).
Nhiều nhà đầu tư lớn đã gom hàng ở vùng giá này vì dự báo, khi margin được “cởi trói”, giá sẽ tăng.
Thực tế, không ít cổ phiếu tăng giá mạnh, đem lại lợi nhuận từ 5 - 20% cho nhà đầu tư chỉ sau 1 tuần, với thông tin hỗ trợ là kết quả kinh doanh khả quan, chia cổ tức bằng cổ phiếu. VN-Index chốt tuần cuối tháng 6, đầu tháng 7 ở đỉnh mới là 1.420 điểm (ngày 2/7), dù lực bán mạnh thường xuất hiện ở cuối mỗi phiên giao dịch nhằm chốt lời.
Đáng chú ý, đầu tuần qua (5/7) có nhiều lệnh mua khối lượng lớn đặt kê giá chặn dưới và kết thúc phiên giao dịch, thống kê cho thấy, khối tự doanh công ty chứng khoán bán 545 tỷ đồng, mua 288 tỷ đồng, kết quả bán ròng gần 257 tỷ đồng.
Phiên 6/7, sau khoảng thời gian khá dài đo lường cung - cầu, dường như các nhà đầu tư lớn cùng hành động đặt bán và khi lực cầu trở nên suy yếu, nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng giảm trước, kéo theo nhiều mã blue-chip khác giảm giá sàn vào cuối phiên.
Một phiên “sập” của thị trường nằm ngoài dự đoán khiến đa số nhà đầu tư chuyển từ tâm lý lạc quan sang nghi ngại, thậm chí nhận định thị trường có thể bị bẻ gẫy xu thế tăng và bước vào xu thế giảm.
Áp lực tâm lý càng lớn hơn khi sự cố gián đoán giao dịch, lỗi hệ thống, lỗi khớp lệnh xảy ra ở nhiều công ty chứng khoán lớn sau khi hệ thống giao dịch mới của HOSE được đưa vào vận hành từ ngày 5/7.
Điều này nằm ngoài dự đoán của nhà đầu tư khiến tâm lý có sự hoang mang và dẫn đến hiệu ứng domino bán để bảo vệ thành quả, hoặc bán cắt lỗ trong 2 phiên cuối tuần qua (8 - 9/7), VN-Index lần lượt giảm 1% và 2%, đóng cửa tại 1.347 điểm, giảm 5,14% so với cuối tuần trước đó.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư bán mạnh dù phiên 7/7 bật tăng trở lại và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng, một số cổ đông nội bộ đăng ký mua vào như TCB, DIG, DXG, các doanh nghiệp dần công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II tích cực...
VN-Index gần đây biến động bất thường, nhưng các phiên điều chỉnh sẽ giúp thị trường cân bằng hơn sau giai đoạn tăng mạnh trước đó.
Thị trường dự kiến dao động tích lũy ở mặt bằng giá mới trước khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với các thông tin từ kết quả kinh doanh quý II/2021.
Tăng tạo rủi ro, giảm tạo cơ hội
Nếu như tuần cuối tháng 6, đầu tháng 7, VN-Index tăng điểm nhờ sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thì tuần qua (5 - 9/7), thị trường giảm mạnh cũng bởi hai nhóm cổ phiếu này, kéo theo hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều cổ phiếu không tăng cao trước đó cũng giảm giá mạnh, tạo ra các cơ hội đầu tư tốt.
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, mức P/E thị trường là 19,4 lần, tiệm cận mức trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn là 20 lần, nên sự điều chỉnh của thị trường là hợp lý sau khi có đà tăng kéo dài 5 tháng trước đó. Hiện mức giảm giá chưa nhiều nên trong ngắn hạn, nhịp điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, các nhóm ngành đang có sự phân hóa, không ít cổ phiếu hàng đầu trong mỗi nhóm ngành được đưa về mức giá hấp dẫn hơn, là cơ hội để nhà đầu tư bắt đầu mua vào. Cơ hội tập trung vào các cổ phiếu lớn có kết quả kinh doanh tốt trong quý II, cũng như những cổ phiếu đã giảm giá sâu.
Việc cổ đông nội bộ DIG, DXG công bố mua vào khi thấy giá cổ phiếu sụt giảm cho thấy các cổ đông này nhận ra cơ hội. Không ít cổ phiếu khác (ngoài nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, thép) đứng bên lề đà tăng của thị trường 6 tháng đầu năm đang có mức định giá hấp dẫn, trong khi triển vọng lợi nhuận cuối năm là khả quan.
Ông Minh nhận định, trong trung hạn, thị trường vẫn nằm trong xu thế tăng trưởng tích cực, VN-Index sau đợt điều chỉnh này có khả năng hướng đến mốc 1.500 điểm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm 2021, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao hơn tiền mặt, do xu hướng trung hạn là tăng điểm.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư chỉ nên tăng cường độ giao dịch sau khi triển vọng ngắn hạn được xác nhận quay lại trạng thái tích cực.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, giai đoạn này sẽ thực hiện chiến thuật giao dịch “xanh bán, đỏ mua”. Dù triển vọng trung và dài hạn khả quan, nhưng thị trường nếu tiếp tục rung lắc mạnh sẽ là thách thức tâm lý với các nhà đầu tư.
Trạng thái “căng” margin của công ty chứng khoán, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến các “tay to” trên thị trường thận trọng, ảnh hưởng đến thanh khoản.
Theo đó, ai còn sức thì tiếp tục bám sàn, ai mệt thì tạm thời nghỉ ngơi, chờ thị trường qua giai đoạn tích lũy, phân hóa, đánh giá tín hiệu dòng tiền rõ hơn rồi mới giao dịch trở lại.
Nhìn lại sức mạnh dòng tiền
Đà tăng kéo dài của thị trường chứng khoán được hình thành trên nền tảng có yếu tố trọng yếu là dòng tiền dồi dào của nhà đầu tư trong nước. Nhưng khi thị trường đã ở mức định giá không còn rẻ, cộng với yếu tố rủi ro mới do dịch bệnh phức tạp hơn, liệu dòng tiền đổ vào thị trường có khả năng lập đỉnh đúng thời điểm này hay không?
Hiện tại, dòng tiền luân chuyển trong thị trường chứng khoán vẫn tốt, nhất là khi hệ thống mới của HOSE vận hành từ ngày 5/7/2021 có tốc độ khớp lệnh nhanh. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 26.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn gần 30% so với mức bình quân 2 tuần cuối tháng 6.
Trong các phiên giảm điểm mạnh, nhiều nhà đầu tư cá nhân dù hoảng hốt nhưng không bán tháo như các lần điều chỉnh trước đây. Phiên VN-Index lao dốc 4% ngày 6/7, khối lượng chất bán giá sàn không lớn và ngay sau đó có phiên bật tăng 2,5%. Cuối tuần qua, VN-Index giảm 2%, không phải là mức giảm mạnh nhất trong phiên và thanh khoản cao hơn 27% so với phiên liền trước.
Thanh Châu, nhà đầu tư gia nhập thị trường từ giữa năm 2020 cho biết, thị trường phiên 6/7 quá bất ngờ, tài khoản “bốc hơi” vài trăm triệu đồng. Nhưng hành động lần này của Châu rất khác, bình tĩnh tìm kiếm thêm thông tin, kiên quyết giữ các cổ phiếu tốt, nhưng cũng không mua cân bằng giá hoặc bắt đáy ồ ạt, mà chờ đợi, quan sát thêm diễn biến thị trường mới hành động. Nhóm nhà đầu tư bạn Châu cũng có các hành động tương tự.
Tín hiệu tích cực là số lượng tài khoản mở mới trong tháng 6 tiếp tục phá kỷ lục, với 140.054 tài khoản, tăng 23,3% so với tháng 5, lũy kế 6 tháng đạt 619.911 tài khoản, cao hơn 58% so với số lượng tài khoản mới của cả năm 2020.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước (cả cá nhân và tổ chức) tính đến cuối tháng 6/2021 đạt 3,357 triệu. Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD dự báo, số tài khoản mở mới có thể tăng thêm 300.000 trong 6 tháng cuối năm.
hm Mục tiêu là Việt Nam có 5 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 5% tổng dân số.
Số tài khoản hiện tại tương đương gần 3,5% dân số. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, con số này thấp hơn nhiều so với các thị trường lân cận như Thái Lan (25 - 30%), Singapore (32%), Malaysia (18%).
Trong 1 năm qua, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân vào khoảng 43.400 tỷ đồng, chưa bằng 1% tổng số tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến tháng 4/2021. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa gia tăng các nhà đầu tư mới.
Đặc biệt, lãi suất chưa thể tăng ngay do tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn khả quan…, dòng tiền lớn trong nền kinh tế vẫn quan tâm tới thị trường chứng khoán với thế mạnh là thanh khoản ngày càng cao.
Sự dịch chuyển của dòng tiền tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán chính là điểm khác biệt lớn nhất của thị trường hiện tại so với các giai đoạn trước. Và đây vẫn đang là xu thế.
Dòng vốn ngoại không còn chiếm vai trò chủ đạo, nhưng dòng vốn này đưa ra các chỉ báo khá tích cực trong từng thời điểm quan trọng của thị trường. Phiên 7/7, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2.040 tỷ đồng ở trên sàn HOSE và HNX, cao nhất trong 2 tháng trở lại đây.
Trước đó, trong tuần từ 28/6 - 2/7, cả tổ chức và cá nhân trong nước có động thái bán ròng, trong đó, giá trị bán ròng của tổ chức là 2.900 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại mua ròng gần 3.300 tỷ đồng.
Trong 3 phiên từ 5 - 7/7, cá nhân trong nước bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng, tổ chức trong nước mua ròng gần 500 tỷ đồng, khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng.
Từ ngày 30/6 đến 7/7, khối ngoại mua ròng hơn 5.350 tỷ đồng, trái ngược xu thế bán ròng gần 37.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Dòng tiền vào các quỹ ETF ngoại cả cũ lẫn mới là rất đáng kể. Dòng tiền cũng tích cực chảy vào quỹ ETF nội trong thời gian gần đây, giúp cho hoạt động mua ròng của tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận ở mức khá.
Theo dữ liệu tổng hợp của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, phiên 6/7 - phiên thị trường bất ngờ “bay” 57 điểm, thì các quỹ ETF đã mua ròng 155 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Fubon) mua ròng 137,7 tỷ đồng. Trước đó, Fubon mua ròng 145,6 tỷ đồng trong ngày 5/7.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong những ngày đầu tháng 7, SSI tiếp tục ghi nhận xu hướng giao dịch tích cực ở các quỹ VFM VN30, VFM VNDiamond và Fubon.
Bên cạnh đó, Quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới. Hiện quỹ này có quy mô còn nhỏ (2 triệu USD) và khoảng 27% tổng tài sản được phân bổ vào thị trường Việt Nam.
Trước đó, quỹ VFM VN30 ETF và SSIAM VNFIN Lead bị rút ròng trong tháng 5, nhưng có dòng tiền dương trở lại trong tháng 6, với giá trị lần lượt là 560 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Fubon là quỹ có giá trị rút ròng lớn nhất (150 tỷ đồng). Tính chung tháng 6, có khoảng 26 triệu USD vốn chảy vào các quỹ ETF tại Việt Nam.
Đối với các quỹ chủ động, sau tháng 5 có vốn vào ròng thì tháng 6 rút ròng khoảng 33 triệu USD, lớn hơn lượng vốn vào các quỹ ETF, khiến thị trường Việt Nam bị rút ròng 7 triệu USD. Điểm tích cực là nửa cuối tháng 6, quy mô rút vốn của các quỹ chủ động có xu hướng giảm và tổng dòng vốn ngoại chuyển sang dương.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, các quỹ chủ động bị rút ròng 185 triệu USD (cao hơn mức 110 triệu USD của cả năm 2020), nhưng các quỹ ETF lại hút ròng 590 triệu USD (gấp 2,6 lần lượng vốn chảy vào cả năm 2020), riêng Quỹ Fubon là khoảng 340 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm dương 410 triệu USD và đóng góp vào mức tăng trưởng 27,6% của chỉ số VN-Index.
Có thể, những đối tượng nhà đầu tư mới trên thị trường thế giới đang tranh thủ lúc thị trường Việt Nam điều chỉnh, cổ phiếu giảm giá mạnh để gia tăng sở hữu cho chu kỳ tăng trưởng nửa cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận