menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Nam Trung

Cú sốc trên thị trường năng lượng và nguyên liệu bao giờ sẽ kết thúc?

Báo Le Figaro trích dẫn báo cáo cho rằng sau khi giá cả tăng mạnh ở thời điểm kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra một trận địa chấn thực sự, khi khiến giá xăng, dầu, kim loại và ngũ cốc tăng vọt. Vấn đề là hậu quả của cú sốc này có thể kéo dài không biết khi nào kết thúc. Nội dung chính của báo cáo được tóm tắt như sau:

Theo Le Figaro, một công ty chuyên phân tích thị trường nguyên liệu và hàng hóa thế giới có trụ sở tại Pháp, nhấn mạnh sau khi giá khí đốt tự nhiên giao ngay ở châu Âu tăng vọt 397% vào năm 2021, giá cả mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Từ lúa mỳ đến vàng đen, đồng và thép, thị trường nguyên liệu toàn cầu nhìn tổng thể vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.

Báo cáo khẳng định sự hỗn loạn hiện nay, với rất nhiều tác nhân đan xen, cho thấy thế giới sẽ chưa thể sớm trở lại bình thường như nhiều người từng hy vọng cách đây vài tháng. Sau một năm 2021 được đánh dấu bởi khủng hoảng "tam lập" về năng lượng, nông nghiệp và hậu cần, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi hoạt động kinh tế toàn cầu và thị trường nguyên liệu thô. Báo cáo CyclOpe đã không đưa ra dự báo về diễn biến của giá cả các loại nguyên liệu trên thị trường thế giới. Philippe Chalmin, Giáo sư lịch sử kinh tế và là trưởng nhóm biên soạn báo cáo, cho rằng việc cố gắng đưa ra những dự báo như vậy là "vô ích".

Năm 2021, năm thứ hai của đại khủng hoảng y tế toàn cầu, đã chứng kiến "sự gia tăng gần như toàn diện" về giá cả các mặt hàng trên thế giới. Chỉ số CyclOpe cho thấy mức tăng giá trung bình 49% cho cả năm. Đó là chưa tính đến khí đốt tự nhiên, điện, vận tải biển, phân bón và thép, các sản phẩm và dịch vụ có mức tăng trung bình thường vượt quá 100%. Không có bất cứ cuộc khủng hoảng nào gây ra sự hỗn loạn cho thị trường nguyên liệu trong năm 2021 có dấu hiệu đang trên đà được giải quyết nhanh chóng. Những bất ổn do cuộc xung đột Ukraine gây ra đã đè nặng quá nhiều lên mọi nỗ lực của thế giới.

Khủng hoảng kho vận (logistics), vốn đang được cho là ít kịch tính nhất hiện nay, sẽ không sớm kết thúc. Năm 2021, chi phí vận chuyển container, đặc biệt từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ, đã tăng gấp 4 lần. Sự phục hồi về nhu cầu tại các nước phương Tây đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các hải cảng của Trung Quốc và Bắc Mỹ, dẫn đến tình trạng thiếu từ tàu thuyền, tài xế xe tải đến công nhân bốc vác. Hiện tại, các nguồn cung ứng hydrocarbon ngoài Nga đang gây thêm các vấn đề vận tải khác, trong khi chính sách "Zero COVID" (Không COVID) ở Trung Quốc khiến các chuỗi giá trị toàn cầu hóa cao tiếp tục rơi vào trạng thái cực kỳ mong manh.

Nghiêm trọng hơn, căng thẳng đối với một số sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là dầu ăn và ngũ cốc, cụ thể là lúa mỳ, có thể kéo dài vô thời hạn. Năm 2021, khủng hoảng trở nên trầm trọng thêm do Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Năm 2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine, với việc phong tỏa gần như hoàn toàn các tuyến đường dẫn tới hải cảng của nước này, đang gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu của vựa lúa mỳ và dầu hướng dương Ukraine. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi cuộc xung đột không biết bao giờ kết thúc này còn đe dọa vụ mùa sản xuất tiếp theo.

Theo ấn bản báo cáo mới của CyclOpe, sự mất cân bằng của thị trường năng lượng cũng gây ra những rối loạn rất nặng nề và kéo dài. Chúng ảnh hưởng đến khí đốt, dầu mỏ và than đá, như một phần của cuộc khủng hoảng "không điển hình".

Trước đây, chính thị trường dầu mỏ đã gây ra các cuộc khủng hoảng năng lượng lớn trong khi năm 2021, khí đốt lại là yếu tố quyết định. Cho dù ở châu Âu hay châu Á, giá khí đốt trung bình đã tăng gấp 4 lần. Và một phần của sự tăng giá dầu thô năm 2021 có liên quan đến việc tăng giá khí đốt vốn do các yếu tố khí hậu, kinh tế và địa chính trị gây nên. Thủy điện ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, trong khi năng lượng gió ở Bắc Âu thiếu gió rất nhiều. Báo cáo chỉ ra thêm rằng sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng đã thúc đẩy nhu cầu về năng lượng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó khí đốt tự nhiên đóng một vai trò rất quan trọng.

Khủng hoảng Ukraine có thể mất một thời gian dài nữa mới có thể giải quyết, đặc biệt đối với châu Âu, nơi ban hành các lệnh trừng phạt chống Nga. Liên minh châu Âu (EU) vốn phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng, đã nhất trí thông qua kế hoạch ngừng nhập khẩu 2/3 nhu cầu dầu mỏ từ Nga và có thể làm điều tương tự đối với khí đốt (Nga chiếm 45% lượng nhập khẩu của EU).

Các tác giả của báo cáo nhận xét: "Xung đột bùng nổ quá gần đây nên khó có thể phác họa kịch bản thế giới năng lượng sẽ sao trong thời gian tới. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc xung đột sẽ kéo dài, một phần không thể đảo ngược và sẽ không giới hạn giữa Đại Tây Dương và Nga". Theo các chuyên gia này, có một số vấn đề chắc chắn sẽ xảy ra.

Giá nhiên liệu hóa thạch vận chuyển đến châu Âu sẽ cao hơn, người châu Âu phải tìm nguồn cung cấp ở nơi khác, với khoảng cách xa hơn, thông qua chuỗi hậu cần phức tạp hơn do sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bởi vậy, tương lai sẽ đứng trước nhiều rủi ro hơn. Trong ngắn hạn, để đảm bảo an ninh năng lượng, chắc chắn các nước sẽ buộc phải trông chờ vào việc sử dụng than, khiến nguyên liệu này sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Và trên hết, than sẽ trút thêm gánh nặng cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của châu Âu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại