Cụ ông mất gần 15 tỷ đồng sau cuộc gọi video vì bị 'thao túng tâm lý'?
Độc giả Huy Le cho rằng nhiều người chuyển số tiền lớn cho bọn lừa đảo vì bị chúng nắm bắt và uy hiếp tinh thần.
Ngày 20/4, Phòng cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP HCM) điều tra việc ông Lâm (71 tuổi) trình báo bị lừa gần 15 tỷ đồng.
Theo trình báo, sáng 3 hôm trước, ông Lâm nhận cuộc gọi và được người đàn ông xưng là cán bộ công an. Ông được thông báo dính tới đường dây tội phạm ma tuý và hiện đã có lệnh bắt giam. Sau đó, ông Lâm đã ra ngân hàng chuyển lần lượt 6 tỷ đồng và hơn 8 tỷ đồng cho người tự xưng là "cục trưởng".
Sau bài viết, trước thắc mắc vì sao người có 15 tỷ tiền mặt trong tài khoản lại dễ dàng bị lừa như thế, độc giả có nickname van.ho272 nói:
"Tại sao bọn lừa đảo biết ông Lâm có số tiền lớn như vậy gửi ngân hàng và việc chuyển những khoản tiền rất lớn là 6 tỷ và hơn 8 tỷ cho người khác được ông Lâm thực hiện tại ngân hàng không cần hỏi người thân, nhưng sau đó thấy nghi ngờ, ông hỏi người thân rồi ra ngân hàng kiểm tra?
Độc giả Tuấn Mạnh nói: "Vì sao bọn lừa đảo biết ông Lâm có tiền để lừa gạt? Chúng cứ thả câu "vô tư", dính được con cá nào thì chụp con nấy. Không cần biết trước người nào có tiền hay không có tiền. Hên xui.
Tại sao ông Lâm không hỏi trước người thân khi chuyển tiền? Mỗi nhà mỗi cảnh, biết đâu gia cảnh ông Lâm đơn chiếc hoặc lúc đấy tinh thần ông Lâm bị khủng hoảng, người cao tuổi thường hay lo lắng và ít khi thổ lộ điều này cho ai, nên âm thầm tự giải quyết.
Chốt lại, bọn lừa đảo là bậc thầy về khả năng 'diễn kịch', khi gặp đúng người yếu bóng vía chúng không thể bỏ qua cơ hội ngon ăn".
Nếu trình báo là đúng, độc giả Huy Le nói người lớn tuổi dễ bị lừa vì bị "thao túng tâm lý" bởi ekip lừa đảo chuyên nghiệp:
"Khi sự việc chưa xảy ra với mình thì đừng cười chê người khác khờ. Nếu chưa gặp qua bọn lừa đảo thì chưa biết thủ đoạn của chúng.
Thứ nhất: Chúng là bọn lừa đảo chuyên nghiệp, hoạt động theo nhóm có phân vai rõ ràng, mỗi tên trong nhóm sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau và sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao để lừa đảo.
Trong nhóm của chúng có kẻ chuyên thu thập thông tin của nạn nhân, có kẻ gọi điện để tiếp cận, có kẻ đóng vai trò dẫn dắt, có kẻ đóng vai trò đe dọa. Chúng thường sử dụng các thiết bị làm giả số điện thoại của cơ quan công an để liên hệ với nạn nhân.
Bên cạnh đó là một đội IT ngồi trực sẵn để làm giả các loại giấy tờ như lệnh khởi tố, lệnh bắt giam, làm giả con dấu, chữ ký của viện kiểm sát...
Thứ hai: Bọn chúng có khả năng thao túng tâm lý nạn nhân cực kỳ tốt, có khả năng nắm được trạng thái tâm lý của nạn nhân để uy hiếp, điều khiển nạn nhân làm những việc mà chúng yêu cầu.
Khi chúng đã nhắm được con mồi thì cả ekip của chúng sẽ nhảy vào phối hợp, ban đầu là kẻ tiếp cận sẽ gọi điện cho nạn nhân thông báo một vấn đề gì đó rồi dần dần chúng sẽ chuyển cuộc gọi cho những kẻ ở level cao hơn để thao túng và uy hiếp nạn nhân (khoảng 3-4 tên tham gia vào cuộc gọi).
Khi nạn nhân đã bị thao túng và chuyển tiền theo yêu cầu của chúng thì đội IT sẽ transit khoản tiền đó đi qua các tài khoản khác hoặc vào các sàn tiền ảo để cơ quan công an sẽ không truy vết được dòng tiền".
Đồng quan điểm, độc giả có nickname AKa 100/7 nói: "Đôi khi người lớn tuổi dễ bị tác động tâm lý. Vậy nên tôi thật sự lo lắng cho ba mẹ mình, đợt vừa rồi ba tôi biết là bị lừa mua sản phẩm để được trúng thưởng, dù rằng anh em tôi đều nói là lừa đảo, ba cũng nói biết nó lừa, nhưng kệ, phóng lao phải theo lao. Ba tôi cứ mua tiếp cho đến hơn 40 triệu đồng, dù sản phẩm đó giá trị chỉ bằng 1/10.
Bây giờ tiền chi tiêu hằng tháng, anh em tôi chỉ đưa cho ba từng tuần một, vì chỉ cần có hơn hai triệu đồng là bọn xấu lại dụ ông mua hộp sữa hạt với giá 1,1 triệu đồng trong khi trên mạng bán chỉ 90 ngàn đồng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận