24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cú hích thúc đẩy Fed ‘quay xe’

Bất chấp sự can dự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa lắng dịu, ngược lại còn lan sang Thuỵ Sỹ, đe doạ cả ngân hàng lớn nhất nước Đức, gây ra khó khăn lớn cho kinh tế. Cho nên, việc Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng dường như chỉ là vấn đề thời gian.

Cú hích thúc đẩy Fed ‘quay xe’
Trụ sở ngân hàng Deutsche Bank ở thành phố Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài học lớn sau sự phi lý

Ngày 24/3, cổ phiếu Deutsche Bank của Đức bất ngờ lao dốc, có lúc giảm tới 15%, là mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19, trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trong nhóm ngân hàng ở châu Âu. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ của Deutsche Bank vì thế đã tăng mạnh. Điều lạ lùng là “cú sụt hầm” xảy ra khi Deutsche Bank báo cáo lãi 10 quý liên tiếp và có khoảng 70% tiền gửi cá nhân của ngân hàng này được bảo hiểm.

Thậm chí năm 2022, Deutsche Bank lãi kỷ lục 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD), tăng 159% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, tỷ lệ CET1 – đơn vị đo lường khả năng thanh toán, đánh giá sức mạnh vốn của ngân hàng - của Deutsche Bank ở mức 13,45; tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán ở mức 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng đạt 119%. Deutsche Bank cũng thông báo kế hoạch mua lại nợ - động thái được coi là phát đi tín hiệu tốt về doanh nghiệp. Tất cả cho thấy Deutsche Bank không hề để khách hàng phải lo lắng về khả năng thanh toán cũng như tính thanh khoản.

Chính vì thế, ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng trấn an rằng “không có lý do gì để lo ngại" về Deutsche Bank. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên viên phân tích tại Citigroup cũng cho rằng, tới nay, chưa có lý do nào đủ lớn để giải thích cho làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank. Về phần mình, các chuyên gia phân tích của Autonomous Research khẳng định Deutsche Bank “không phải là Credit Suisse tiếp theo”. Rõ ràng, Deutsche Bank khác hẳn Credit Suisse bởi sự sụp đổ của Credit Suisse liên quan tới việc kinh doanh thua lỗ, phải đối mặt với rủi ro pháp lý và gần như tất cả các khoản tiền gửi của họ đều không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại có thể thấy từ làn sóng rút tiền như đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ (chỉ trong ngày 9/3, khách hàng rút 42 tỷ USD), tới sự cuộc khủng hoảng của Credit Suisse và khó khăn của Deutsche Bank, tin đồn trong thời đại công nghệ số là điều cần tính đến trong quản trị. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ, tin đồn lan truyền chóng mặt và xuất hiện trên mặt báo, thậm chí cũng bắt đầu từ báo mạng. Sau đó, các bài báo với tiêu đề tiêu cực liên quan tới ngân hàng “có vấn đề” xuất hiện, tác động tới tâm lý của người gửi tiền, dẫn tới làn sóng rút tiền, khiến ngân hàng “có vấn đề” mất thanh khoản đột ngột.

Những gì đang diễn ra, theo ông Ulrich Urbahn, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản ở Berenberg, là “các nhà đầu tư chỉ đang cố gắng tìm ngân hàng sắp gặp rắc rối, chẳng hạn như những ngân hàng có dính dáng tới bất động sản thương mại”. Khi “càng nhiều người nghĩ ngân hàng đang gặp vấn đề thì sẽ có càng nhiều người rút tiền và rủi ro cho các ngân hàng lại càng lớn”. Nhưng dù thế nào, theo JPMorgan, sau cùng thì niềm tin vẫn là yếu tố then chốt - niềm tin vào bối cảnh thị trường nói chung, vào năng lực của bộ máy quản lý trong việc thể hiện sự minh bạch hay các biện pháp xử lý vấn đề thanh khoản.

Cú hích thúc đẩy Fed ‘quay xe’
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố quyết định tăng lãi suất của Fed, ở Washington, D.C, ngày 22/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Lựa chọn khó khăn của Fed

Từ việc Credit Suisse tới Deutsche Bank gặp khó khăn, phản ánh cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng và đã ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng châu Âu. Trong khi đó, cổ phiếu của hai ngân hàng này được niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, cho nên, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ. Trên thực tế, sau vụ sụp đổ của SVB, cổ phiếu ngân hàng ở Thung lũng Silicon và San Francisco vẫn chưa ổn định trở lại. Đến ngày 24/3, sau khi xảy ra vụ Deutsche Bank, cổ phiếu một loạt ngân hàng ở đây tiếp tục giảm. Ngay cả Ngân hàng Đệ nhất Cộng hoà, dù ngày 16/3 đã được 11 ngân hàng bắt tay bơm tiền cứu trợ, nhưng giá cổ phiếu vẫn không ngừng giảm từ mức 115 USD ngày 8/3 xuống 31 USD ngày 13/3 và tới ngày 24/3 chỉ còn 12 USD, cho thấy khách hàng tiếp tục rời đi và tiền gửi tiếp tục được rút.

Trên phương diện vĩ mô, dưới tác động kép của cuộc khủng hoảng ngân hàng và lãi suất cao, nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay. Đáng lưu ý là tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể vượt ra ngoài hệ thống, chẳng hạn như các khoản cho vay bất động sản thương mại. Thống kê cho thấy các ngân hàng nhỏ ở Mỹ hiện có 270 tỷ USD cho vay bất động sản thương mại. Do việc thắt chặt cho vay, các khoản vay này có khả năng trở thành vấn đề. Ngoài ra, giá thuê nhà, chiếm 25% trong chỉ số giá tiêu dùng, chỉ tăng 2% trong năm qua, giảm mạnh so với mức 18% của năm trước. Thị trường nhà ở và sản xuất cũng dự kiến ​​sẽ giảm trong nửa cuối năm, phản ánh khả năng suy giảm của nền kinh tế.

Tại cuộc họp chính sách ngày 22/3, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, cho thấy lạm phát vẫn là lo ngại hàng đầu. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng việc thắt chặt cho vay do khủng hoảng ngân hàng gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tín dụng ngân hàng sẽ chịu áp lực và hoạt động cho vay thương mại cũng như cho vay cá nhân sẽ gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng tới kết quả kinh tế. Rõ ràng, Fed đã bớt “diều hâu” hơn sau diễn biến của những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Bank of America, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra sẽ khiến lạm phát giảm 1,8%, tác động đến giá cả sẽ lớn hơn so với việc tăng lãi suất. Như vậy, trong trường hợp này, Fed có thể lựa chọn ngừng tăng lãi suất.

Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng đang cân nhắc thận trọng hơn với các động thái chính sách tiếp theo khi xuất hiện dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế. Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng ngân hàng, có thể những động thái tăng lãi suất sắp tới là lần cuối cùng của ngân hàng trung ương nhiều nước. Tuy nhiên, chu kỳ tăng lãi suất kết thúc có thể dẫn tới quan ngại về suy thoái kinh tế. Khi đó, bức tranh tăng trưởng kinh tế cũng như tâm lý nhà đầu tư trên thị trường có thể bị tác động tiêu cực...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả