“Cú hích” hợp tác dược phẩm Việt Nam- Ấn Độ
Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Tầm nhìn chung Ấn Độ- Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân được xem là “đòn bẩy” hợp tác Việt Nam- Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm.
Ngài Pranay Verma cho biết Tầm nhìn chung Ấn Độ-Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân do Thủ tướng hai nước thông qua được xem là “đòn bẩy” hợp tác Việt Nam- Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm.
- Thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ tăng nhanh với trung bình gần 20% mỗi năm trong 5 năm qua, đạt hơn 12 tỷ USD trong năm 2021, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD/năm trong những năm tới. Theo Ngài, cần có giải pháp nào để đạt được mục tiêu này?
Là hai trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á, quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Từ vỏn vẹn 200 triệu USD vào năm 2000, thương mại song phương hàng năm của hai nước đã liên tục đạt trên 10 tỷ USD trong vài năm qua. Tuy nhiên, tổng giá trị thương mại song phương chiếm chưa đến 2% tổng giá trị thương mại toàn cầu của mỗi nước và đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng hiện nay.
Trong bối cảnh chuỗi cung-cầu hiện đang bị gián đoạn, việc khám phá chuỗi cung ứng mới và quan hệ đối tác mới, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để mở rộng phạm vi thương mại hiện có giữa hai nước chắc chắn sẽ nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối trực tiếp- cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu là những động lực cần thiết để tăng cường sản lượng thương mại giữa hai nước. Các mặt hàng nông nghiệp, dược phẩm, dệt may, sản phẩm kỹ thuật, sản phẩm điện tử, hóa chất, hải sản, sản phẩm từ sữa, da thuộc và cây màu có tiềm năng tăng kim ngạch thương mại.
Ngoài ra, hai bên cũng cần khẩn trương rà soát và nâng cấp cấu trúc thương mại khu vực chung- Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA)– giúp hiệp định này phản ánh tình hình kinh tế hiện tại cũng như kỳ vọng trong tương lai.
- Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Thưa Ngài, các lĩnh vực này đã được triển khai hợp tác như thế nào giữa 2 bên? Cơ hội nào cho doanh nghiệp 2 nước?
Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân được Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam thông qua vào tháng 12 năm 2021 tại Hội nghị Cấp cao Trực tuyến giữa Ấn Độ và Việt Nam, dự kiến sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác và các hoạt động khác trong lĩnh vực công nghệ chuyển đổi trong ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) và Truyền thông, nông nghiệp bền vững, thành phố thông minh, khởi nghiệp, cũng như xây dựng quan hệ đối tác trong ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và các công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu khác, tiến hành đổi mới trong quan hệ đối tác kinh tế và đối tác phát triển giữa Ấn Độ và Việt Nam. Theo đó, các lĩnh vực, như năng lượng, không gian và công nghệ kỹ thuật số đã nhận được sự quan tâm lớn hơn trong quan hệ song phương Việt Nam- Ấn Độ.
Về quan hệ đối tác năng lượng, các công ty năng lượng hàng đầu của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm nay tại một trong những dự án ngoài khơi của Việt Nam và đã mang lại lợi ích chung bằng cách đóng góp vào vấn đề an ninh năng lượng của hai nước. Các công ty của chúng tôi cũng đã và đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và mong muốn khám phá thêm các cơ hội và quan hệ đối tác trong lĩnh vực này.
Hợp tác nông nghiệp là một thành phần quan trọng của quan hệ Ấn Độ-Việt Nam từ những năm 1970, khi Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ nhiều sáng kiến hướng tới chuyển đổi nền nông nghiệp của Việt Nam. Hợp tác đang được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp bền vững, ứng dụng thực hành và công nghệ trong nông nghiệp để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đầu tư vào chế biến nông sản, hải sản, đồ gỗ, tre và lâm sản, và nông nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.
Công nghệ thông tin và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số đã trở thành một lĩnh vực quan trọng mà cả hai quốc gia hiện đang phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt trong việc tăng cường số hóa, quản trị tốt, phát triển bền vững và bao trùm. Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường cơ sở hạ tầng CNTT cũng như đào tạo và nâng cao năng lực trong ngành CNTT của Việt Nam theo cơ chế song phương và trong khuôn khổ ASEAN. Ấn Độ đã thành lập Trung tâm Nguồn lực Chất lượng cao CNTT và Truyền thông Việt Nam-Ấn Độ tại Hà Nội, cũng như Cơ sở Siêu máy tính Param tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ấn Độ đang hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh (CESDT). Ấn Độ đã cấp hạn mức tín dụng trị giá 1 tỷ USD cho nhiều sáng kiến khác nhau về Kết nối Vật lý và Kết nối Số giữa Ấn Độ và ASEAN, bao gồm cả Việt Nam.
- Ấn Độ đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Theo Ngài, Việt Nam cần có chính sách nào, cũng như cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nào để thúc đẩy thu hút đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam?
Ấn Độ đang phấn đấu trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD trong những năm tới bằng cách cung cấp nền quản trị tốt; trao quyền cho cấp cơ sở nhờ sự chủ động tham gia và công nghệ; và đạt sự phát triển bền vững và bao trùm. Một trong những động lực chính cho mục tiêu này là chiến dịch “Ấn Độ Tự cường” thông qua việc xây dựng năng lực trong nước để Ấn Độ trở thành nước đóng góp chính cho sự thịnh vượng toàn cầu. Để trở thành một “Ấn Độ Tự cường”, Ấn Độ đang tiến hành những cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực - từ lao động đến đất đai, từ nông nghiệp đến sản xuất, từ giáo dục đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Đồng thời, Việt Nam cũng đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong các chính sách và pháp luật của mình. Từ việc tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giá trị gia tăng cho xuất khẩu, thành lập khu công nghiệp, ưu đãi thuế, hậu cần tốt, xúc tiến đầu tư và công tác bảo hộ, Việt Nam đang từng bước thúc đẩy môi trường đầu tư thân thiện.
Các chính sách và ưu đãi nói trên ở cả hai nước sẽ khuyến khích đầu tư hơn nữa. Các nhà đầu tư của chúng ta cần nắm bắt thời cơ để bắt đầu khám phá các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau như Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng đô thị, sản xuất, chế biến thực phẩm và nông nghiệp, lĩnh vực năng lượng tái tạo,…
- Lĩnh vực y tế được đánh giá có nhiều tiềm năng trong quan hệ hợp tác Việt Nam- Ấn Độ. Thưa Ngài, trong năm 2022, hai bên sẽ có những chương trình hợp tác đáng chú ý nào? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội này, nhất là trong sản xuất thiết bị y tế, sản xuất thuốc và vaccine phòng chống COVID-19?
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ - bao gồm bệnh viện, thiết bị và dụng cụ y tế, thử nghiệm lâm sàng, dịch vụ ngoài, dịch vụ y tế từ xa, du lịch y tế - đang phát triển nhanh chóng nhờ đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân ngày càng tăng. Nhiều bệnh viện lớn của Ấn Độ áp dụng các dịch vụ y tế từ xa và các mô hình đối tác công tư, giúp thị trường y tế từ xa phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ được mệnh danh là “Nhà thuốc của Thế giới” và là một ngành đóng góp lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Ngành dược phẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ. Dược phẩm và thành phần hoạt chất là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Ấn Độ sang Việt Nam. Nhiều công ty dược phẩm Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm qua và đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá nhờ các sản phẩm dược giá rẻ và chất lượng cao.
Việt Nam đã và đang tập trung khuyến khích các địa phương sản xuất thuốc, thuốc chữa bệnh, vaccine cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Các công ty dược phẩm của chúng tôi đang tìm hiểu quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam để sản xuất thuốc và thuốc chữa bệnh cũng như vaccine theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ.
- Được biết, Ấn Độ đang đẩy mạnh triển khai công viên dược ở Việt Nam. Một khi công viên dược được hình thành, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng và khu vực như thế nào, thưa Ngài?
Tầm nhìn chung Ấn Độ-Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân do Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội nghị Cấp cao Trực tuyến diễn ra vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, đã xác định hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn diện, vaccine và dược phẩm. Đây xem là một “cú hích” cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm trong tương lai.
Nhiều công ty dược phẩm của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm qua và đã hợp tác với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước để thu mua thuốc cho thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, một số công ty Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Các công ty dược phẩm của chúng tôi đã và đang đàm phán với các công ty dược phẩm khác nhau của Việt Nam để thành lập các đơn vị sản xuất thuốc, bao gồm cả vaccine COVID-19. Do đó, dư địa hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm vẫn còn rất lớn.
Nhân dịp Tết Nhâm dần, tôi xin chúc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tốt đẹp hơn nữa, chúc cho độc giả Diễn đàn Doanh nghiệp một năm mới An khang- Thịnh vượng.
Xin cảm ơn Ngài!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận