Cú hích cho thị trường bất động sản
Những động thái quyết liệt của Bộ Xây dựng nhằm tháo gỡ những nút thắt được kỳ vọng sẽ tiếp tục “vực dậy” thị trường bất động sản trong năm 2024.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
- Cuối tháng 11/2023, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ông đánh giá ra sao về tác động của hai Luật này đến thị trường bất động sản?
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có thể là cú hích để thị trường bất động sản hướng đến sự phát triển bền vững và lành mạnh.
Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều nội dung mới so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Có thể kể đến như xác định rành mạch phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định cụ thể phù hợp các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; quy định về công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; quy định phạm vi, điều kiện kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai…
Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan. Đồng thời, sẽ giúp vận hành thông suốt thị trường bất động sản; vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Trong khi đó, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 vừa được QH thông qua (có hiệu lực từ 01/01/2025) có những điểm mới cơ bản như: Điều chỉnh quy định về xây dựng, điều chỉnh Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; hay Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở…
Trên cơ sở các quy định mới trong Luật Nhà ở, thị trường bất động sản thời gian tới được dự đoán sẽ có nhiều khởi sắc, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng đã sẽ được thúc đẩy hơn do hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ để các địa phương cũng nhau các chủ đầu tư có cơ sở thực hiện.
- Ông có thể chia sẻ về kết quả thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”?
Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, các Bộ, ngành đã căn cứ theo các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Đề án. Kết quả đến nay trên địa bàn cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.
Trong đó, đã hoàn thành 46 dự án với quy mô 20.210 căn, khởi công xây dựng 120 dự án với quy mô 120.066 căn. Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, đã có 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Với kết quả đạt được nếu các địa phương, doanh nghiệp tập trung hoàn thành các dự án đã đang khởi công và đã chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể đạt được mục tiêu trước mắt của Đề án đến năm 2025 (hoàn thành khoảng 428.000 căn) đã đề ra.
- Vẫn còn những khó khăn trong triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ông đánh giá thế nào về những ý kiến này? Liệu đã có giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?
Theo báo cáo, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, theo đó hiện nay đã có đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.
Như vậy việc giải ngân gói 120.000 tỷ còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do: một số chính sách ưu đãi nhà ở xã xã hội được quy định tại Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 phải đợi đến ngày 01/01/2025 mới có hiệu lực dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn; lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.
Với quan điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản trước mắt mà đáp ứng mục đích lâu dài (giai đoạn 2023-2030) góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư.
Thứ hai, đôn đốc các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất và kéo dài thời hạn vay vốn ưu đãi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận