CPTPP: Hàng xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều hàng rào phi thuế quan
CPTPP: Hàng xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều hàng rào phi thuế quan
Bởi khi tham gia hiệp định, Việt Nam phải thực thi các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc và chặt chẽ, yêu cầu tính minh bạch cao.
Không dừng lại ở đó, CPTPP còn tạo ra sự cạnh tranh lớn, gay gắt trong và ngoài khối về sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia... Điều này buộc doanh nghiệp phải có sự thay đổi để tham gia sân chơi toàn cầu.
Theo phân tích từ giới chuyên gia, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm là thế mạnh như nông thủy sản, trái cây.
Tuy nhiên, các thách thức đặt ra cũng ngày càng lớn, nhất là hàng hóa trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập ngoại ngay trên sân nhà. Cùng với đó, hàng xuất khẩu phải đối mặt nhiều rào cản phi thuế quan do các nước đặt ra.
CPTPP được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng đi kèm là nhiều thách thức không nhỏ. Ảnh minh họa: TTXVN
Chính vì vậy, để có giải pháp chủ động vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội từ hội nhập, Cần Thơ đã triển khai đề tài nghiên cứu "Tác động những FTA đối với thành phố Cần Thơ và giải pháp ứng phó" do Viện Kinh tế - Xã hội thành phố thực hiện.
Hơn nữa, chỉ 4 ngày sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam, đơn vị này đã chức hội thảo "Tác động những FTA đối với TP Cần Thơ và giải pháp ứng phó" vào ngày 18/1/2019 để lấy ý kiến các chuyên gia nhằm làm rõ tính khả thi của các giải pháp từ đề xuất của đề tài. Từ đó, xác định được các giải pháp thiết thực, tham mưu cho thành phố triển khai ngay.
Ông Phạm Bình An- Chủ nhiệm đề tài kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Các FTA không chỉ đơn thuần giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà tác động lên nhiều lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật, buộc người dân và doanh nghiệp phải nỗ lực thích ứng.
Đặc biệt, khi các dòng thuế xuất nhập khẩu hàng hóa được giảm, nhiều nước lại có xu hướng tăng các rào cản phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp cần chú ý nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu, lộ trình của các FTA để chủ động vượt qua rào cản và tận dụng tối đa các cơ hội đối với ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh cụ thể.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, đối với các doanh nghiệp ở Cần Thơ, CPTPP là hiệp định rất mới cần nghiên cứu kỹ lưỡng để áp dụng; trong đó thuế quan là vấn đề quan trọng.
Ông Nguyễn Minh Toại cho biết, Sở đã chỉ đạo cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu nghiên cứu thật kỹ hiệp định CPTPP để thông tin cụ thể đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn để nắm được thời điểm áp dụng được với từng thị trường về hàng rào thuế quan cũng như hàng rào kỹ thuật.
Dự kiến, trong tháng 5 tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức tuyên truyền về CPTPP cho doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa tại thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Toại cũng khuyến cáo, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết với nhau để đảm bảo các yêu cầu về số lượng, chất lượng hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Mặt khác, để giảm chi phí bên cạnh việc Cần Thơ phải đầu tư phát triển tiếp vận hậu cần, Nhà nước cần hỗ trợ hoàn thiện các hạ tầng giao thông, nhất là "khai thông" tuyến đường hàng hải cho tàu trọng tải lớn cặp các cảng tại Cần Thơ để xuất khẩu hàng trực tiếp, không phải trung chuyển hàng lên Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Khánh Tùng đại diện Trung tâm Xúc tiến -Thương mại triển lãm Cần Thơ cho rằng, khi tham gia Hiệp định này thị trường sẽ được mở rộng hơn cho các doanh nghiệp, cùng với đó là cơ hội tiếp cận với những thị trường khó tính cũng sẽ nhiều hơn.
Đặc biệt, qua đây giao thương của Việt Nam đối với các quốc gia trong thị trường CPTPP cũng sẽ nhiều hơn, nhất là đối với các mặt hàng mà Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế như gạo, thủy sản, trái cây.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Tùng cũng cảnh báo những thách thức “rất lớn” mà CPTPP đem đến. Đó là những rào cản về kỹ thuật, những yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, cũng như việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng sẽ khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần trang bị thêm nhiều kiến thức khi tham gia sân chơi toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đang phối hợp với một số tổ chức thương mại của Canada, Hàn Quốc cũng như các chuyên gia trong nước để tổ chức các hội thảo tập huấn về CPTPP tại Cần Thơ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong tháng 6 sẽ có đoàn tổ chức thương mại của Canada sang phổ biến, hướng dẫn giúp các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xoài để có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường này. Ngoài ra, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các sở, ngành cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn.
Đặc biệt, tháng 8 tới sẽ có đoàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia và Singapore cũng đến Cần Thơ để tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Cần Thơ tiếp cận trực tiếp với họ để nâng cao năng lực trong hợp tác quốc tế.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Chu Văn An- Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Hiệp định CPTPP chủ yếu giải quyết được vấn đề thuế quan và hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được dễ dàng hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này; trong đó có Minh Phú bởi đây là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh lớn nhất thế giới hiện nay. Mỗi năm đơn vị này đóng khoảng 6.700-7.000 container tôm xuất khẩu với kim ngạch đạt từ 750-850 triệu USD.
Để tận dụng được những cơ hội từ CPTPP, ông Chu Văn An cho rằng, doanh nghiệp cần phải làm hết sức để phù hợp với những nội dung của hiệp định, sau đó là hàng hóa làm ra phải đạt tiêu chuẩn mà các nước này yêu cầu.
CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều nội dung cam kết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mức độ tự do hóa thương mại rất cao khi gỡ bỏ khoảng 95% sắc thuế giao dịch hàng hóa giữa các quốc gia thành viên.
Hiệp định này có sự tham gia của 11 nước thành viên, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore; trong đó, Việt Nam có thêm 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru./.
Xem thêm:
>>Nhật Bản và Canada khẳng định CPTPP "mang lại lợi ích to lớn"
>>Tìm cơ hội vượt rào cản khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận