CPI quý I tăng thấp nhất 3 năm trở lại đây, lạm phát được kiểm soát tốt
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số CPI tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước. Với kết quả này, bình quân quý I/2019, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây (quý I/2017 tăng 4,96%; quý I/2018 tăng 2,82%).
Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, CPI giảm chủ yếu là do tác động của quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhưng đặc biệt là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Việc CPI bình quân quý I chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ khiến áp lực kiểm soát lạm phát vơi bớt.
Trong phiên họp mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, công tác điều hành giá quý I/2019 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có nguyên nhân từ sự phối hợp chặt chẽ, bài bản của các bộ, ngành thuộc Ban Chỉ đạo với từng kịch bản điều hành giá các mặt hàng cụ thể, sự vào cuộc tích cực, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan tới báo chí và dư luận xã hội.
Bên cạnh một số mặt hàng tăng giá nhưng nhiều mặt hàng cũng giảm giá trong quý I, trong đó xuất hiện các diễn biến mới như giá các mặt hàng thịt lợn và lúa gạo đã giảm do bệnh dịch và thiếu thị trường xuất khẩu gạo…
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội. Không chỉ vậy, các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 3, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%), làm CPI chung giảm 0,51%.
Trong khi đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính - viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng, gồm: giao thông tăng 2,22%, do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% - chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng nhẹ.
Và đó là lý do vì sao Ngân hàng Nhà nước cho rằng, áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ “nhẹ” hơn năm 2018 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố không tăng lãi suất đồng USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận