CPI năm 2019 diễn biến thế nào?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau quý III vẫn tăng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo dự báo tại cuộc họp Ban chỉ tiêu điều hành giá quý III/2019 mới đây, mục tiêu điều hành CPI của cả năm 2019 sẽ là 3,5%.
CPI thấp hơn dự báo
Trước đó, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ 9 tháng tổ chức ngày 27/9, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thông tin, trong tháng 9, CPI có xu hướng tăng, nguyên nhân do 50 tỉnh, thành phố đã tăng học phí theo Nghị định 68/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Dịch vụ giáo dục có mức tăng cao nhất, tác động chính đến tăng CPI tháng này.
Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tính đến 17/9, cả nước đã tiêu hủy hơn 5 triệu con lợn, tương đương hơn 290 nghìn tấn, làm nguồn cung giảm, giá lợn tăng. Mưa bão, lũ quét cũng khiến giá thực phẩm tươi sống tăng cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm giảm CPI là giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục trong 2 kỳ điều hành cuối tháng 8 và giữa tháng 9. Đồng thời, từ ngày 1/9, giá gas giảm 3.000 đồng/bình 12kg. Thời tiết mát mẻ khiến nhu cầu sử dụng điện giảm; giảm giá vé tàu hỏa… cũng là các yếu tố khiến CPI giảm.
Còn thông tin đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý III/2019, từ đầu năm đến nay, CPI biến động theo hướng tăng tương đối cao vào tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 6, tăng dần trở lại từ tháng 7-9. Trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng. Tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4%-0,6%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo tại phiên họp quý II, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,52%, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua (năm 2017 là 3,79%, năm 2018 là 3,57%).
CPI cả năm 2019 sẽ chỉ tăng từ 3,3-3,5%
Phân tích các yếu tố tác động tới giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù Arab Saudi khẳng định sẽ bảo đảm 70% lượng dầu cung cấp ra thị trường và Hoa Kỳ cũng khẳng định không thiếu nguồn cung dầu sau sự cố máy bay không người lái tấn công kho xăng dầu ở Arab Saudi, nhưng giá dầu vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính bám sát các diễn biến, chuẩn bị các giải pháp không để giá xăng dầu tác động tới sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh xăng dầu, bảo đảm tạo thuận lợi và củng cố an toàn, an ninh năng lượng.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dự báo, cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhưng không nhiều, khoảng 3-4%, tương ứng 200.000 tấn thịt lợn. Để khắc phục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng; thúc đẩy sản xuất, nhất là trong chăn nuôi để giảm giá thực phẩm, góp phần ổn định giá cả.
Đánh giá chung 9 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá nhận định: “Mục tiêu điều hành lạm phát từ 3,3-3,9% của năm 2019 đã đặt ra tại phiên họp trước hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu không có gì đột xuất”.
Cụ thể, dựa trên các kịch bản giá thịt lợn tăng 10%, xăng dầu và gas tăng thêm 10%, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới, điều chỉnh chi phí khám chữa bệnh có tính cả chi phí quản lý mức thứ 3 và các vấn đề thiên tai bão lũ… thì vẫn kiểm soát được CPI trong năm 2019 là ở mức thấp, từ 3,3-3,5% chứ không phải là từ 3,3-3,9% của dự báo quý trước.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu điều hành CPI của cả năm 2019 sẽ là 3,5%.
Để đạt được kết quả này, Phó Thủ tướng nêu giải pháp chung là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp phù hợp, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu vào dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương chủ động điều hành các mặt hàng sản xuất, nhất là các giải pháp phối hợp với các bộ khác đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo đảm không chỉ kiểm soát giá mà còn bảo đảm an toàn cán cân thanh toán, cán cân vãng lai.
Trong điều kiện lạm phát thấp, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục điều chỉnh giá thị trường các mặt hàng dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước quản lý, chủ động tính toán liều lượng phù hợp với thời điểm điều hành, báo cáo Ban chỉ đạo.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cẩn trọng hơn trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và cung ứng thịt lợn ra thị trường. Hiện nguồn cung thịt lợn tại các nước láng giềng đang thiếu hụt, việc gom hàng ở Việt Nam bắt đầu gia tăng. Do đó, Bộ cần tính kỹ cung cầu từng tháng, chứ không “áng chừng” tương đối; phối hợp với Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung, tránh chuyện tăng đột xuất nhu cầu thị lợn từ nay tới Tết Nguyên đán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận