CPI giảm nhẹ gần 0,1% trong tháng 6/2019
Xăng dầu, gas, gạo giảm giá là những yếu tố góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 2019 giảm 0,09% so với tháng trước, theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Sự đổi chiều giảm chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này là khá bất ngờ với mức biến động rất lớn so với tháng 5/2019. Trước đó, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 2 tháng 4 và 5 có CPI tăng khá cao, lần lượt đạt 0,31% và 0,49% do đột biến từ điều chỉnh giá điện, xăng dầu…
Với diễn biến giảm trong tháng này, CPI lần thứ 2 trong năm đổi chiều. Trước đó, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước đó.
Chi tiết hơn về diễn biến giá cả thị trường, cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2019 của nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,73% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/6/2019. Cơ quan này đánh giá tác động của giảm giá xăng, dầu vừa qua khiến CPI chung giảm 0,16%.
CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm 0,2% trong tháng này, chủ yếu do giá gas trong tháng giảm 8,79%, tác động CPI chung giảm 0,11%; và giá dầu hỏa giảm 3,28%. CPI bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Ở chiều ngược lại, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 6 tăng so với tháng trước: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,23% (dịch vụ giáo dục tăng 0,15%); văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép cùng tăng 0,14%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12% (trong đó riêng lương thực giảm 0,34% do giá gạo giảm 0,54%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Với kết quả này, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. “Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây”, Tổng cục Thống kê lưu ý thêm.
Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 6/2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn tăng 14,85%, làm CPI tăng 0,62%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,81%; quần áo may sẵn tăng 1,68%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,45%; du lịch trọn gói tăng 3,31%.
Thứ hai, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu xây dựng tăng cùng với giá xi măng, sắt, thép và giá nhân công xây dựng tăng.
Thứ ba, giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá văn phòng phẩm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ tư, việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2019: Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 3,55% (tác động CPI chung giảm 0,15%); giá gas sinh hoạt giảm 0,3%. TP.HCM điều chỉnh giảm mức thu học phí theo Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 làm chỉ số giáo dục chung cả nước tháng 2/2019 giảm 0,55% (tác động làm CPI chung giảm 0,03%).
Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận