CPI 8 tháng thấp, vẫn còn xa mục tiêu
Nhìn vào các chỉ số thống kê được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng năm 2021 có một số điểm đáng lưu ý. Trong đó, theo thời gian, CPI được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
CPI tháng (tháng sau so với tháng trước) trong 8 tháng có 6 tháng tăng (tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng 1,52%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,17%, tháng 7 tăng 0,62%, tháng 8 tăng 0,25%); có 2 tháng giảm (tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%). Mặc dù số tháng tăng nhiều hơn số tháng giảm, nhưng chỉ có 2 tháng tăng cao (tháng 2, tháng 7); số tháng khác tăng thấp, thậm chí giảm, nên CPI theo tháng được coi là thấp.
Đồng thời, so với tháng 12/2020 – tức là sau 8 tháng, CPI tăng 2,51%, bình quân 1 tháng tăng 0,31%, cũng là tốc độ tăng thấp. Còn so với cùng kỳ năm trước – tức là sau 1 năm, tuy có cao hơn so với các gốc so sánh khác, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp.
CPI bình quân kỳ này so với cùng kỳ năm trước, tuy có xu hướng cao lên qua các tháng, nhưng tính chung 8 tháng, thì vẫn còn thấp xa so với mục tiêu cả năm (nghị quyết của Quốc hội là khoảng 4%).
Theo nhóm/mặt hàng, CPI bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 3 nhóm/mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung (giao thông tăng 7,59%, giáo dục tăng 4,08%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,98%). Còn 8 nhóm/mặt hàng khác tăng thấp hơn, trong đó nhóm/mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung (0,86% so với 1,79%); riêng thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất giảm 0,38%; có 2 nhóm/mặt hàng còn giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,73%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,14%).
Như vậy, dù xét dưới góc độ nào thì CPI trong 8 tháng năm 2021 cũng thuộc loại thấp. Việc tăng thấp này có tác động về 2 phía. Phía người tiêu dùng, nhất là những thu nhập thấp, gặp rủi ro, thì việc CPI tăng không cao, cộng với sự trợ giúp của cộng đồng…, sẽ giảm áp lực của lạm phát. Phía Nhà nước có thể yên tâm hơn đối với việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, thậm chí có thể có dư địa thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ với mức độ nhất định, trên một số mặt nào đó (như mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, hạ lãi suất cho vay…). Tuy nhiên, dù xét dưới góc độ nào thì CPI cũng đang có xu hướng cao lên, nhất là giao thông, lương thực, giáo dục…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận