CPI 6 tháng cuối năm: Dư địa lớn nhưng vẫn cần thận trọng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đang diễn biến theo đúng kịch bản và dự kiến mục tiêu CPI năm 2019 ở mức dưới 4% so với cùng kỳ năm 2018 có thể đạt được. Tuy nhiên, không thể chủ quan với chỉ tiêu này.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2/2019 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 tăng 0,31%, tháng 5 tăng 0,49%, tháng 6 giảm 0,09% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Theo đánh giá của Tổ Điều hành thị trường trong nước trong cuộc họp thường kỳ 6 tháng mới đây, dù thị trường trong nước những tháng qua có nhiều biến động do sự bất thường của giá xăng dầu, giá thịt lợn… nhưng CPI vẫn diễn biến theo đúng kịch bản đề ra.
Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, trong 6 tháng cuối năm, thị trường giá cả có những nhân tố làm tăng CPI như giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là thịt lợn có khả năng tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; giá nhiều nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại sau 1 năm có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nhiều khả năng nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình; mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên mức 1,49 triệu đồng… sẽ là những yếu tố gây áp lực làm tăng CPI cuối năm.
Đồng ý kiến, TS. Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mục tiêu của Chính phủ kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là khả thi, có thể thực hiện được nhưng cũng không thể chủ quan. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, Chính phủ cần kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam...
Đặc biệt, các ngành chức năng cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019...
Cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Điều hành giá 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, cùng với mức tăng có thể chấp nhận được của chỉ số CPI, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường từ tình hình địa - chính trị và thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá cho rằng, CPI ở mức thấp sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát.
Về phía các Bộ ngành, từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có trách nhiệm điều hành giá xăng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh để Quỹ bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua. Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.
Với các mặt hàng thiết yếu, các Bộ ngành cần phối hợp nhằm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt lợn; giá xăng dầu; vật liệu xây dựng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận