Covid-19 uy hiếp kế mưu sinh của 34 triệu dân Mỹ có thu nhập thấp
Khi “bão” khủng hoảng Covid-19 tràn qua nước Mỹ, hàng loạt khu mua sắm, khách sạn, nhà hàng, trường học... trên cả nước phải đóng cửa. Điều này đe dọa cuộc sống của 34 triệu người Mỹ làm các công việc có thu nhập thấp như thu ngân, phục vụ nhà hàng, dọn phòng khách sạn, trông trẻ, dắt chó đi dạo...
Covid-19 kích hoạt làn sóng sa thải
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính có khoảng 2,25 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua. Con số này cao gấp 8 lần so với tuần trước và cao kỷ lục từ trước đến nay. Ước tính của Goldman Sachs dựa trên các thông báo sa thải dồn dập từ ngành hàng không, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ... Trong bối cảnh họ phải xoay sở ứng phó doanh thu suy giảm lớn và đột ngột do dịch bệnh Covid-19 khiến người dân ở nhà để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm.
Những người lao động dễ bị sa thải nhất thường làm việc trong các ngành dịch vụ, đòi hỏi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như nhân viên thu ngân, nhân viên dọn phòng khách sạn, phục vụ nhà hàng…
Họ là nhóm người lao động dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh Covid-19 vì có nguy cơ thất nghiệp và cắt giảm lương. Họ đang đối mặt với một hiện thực khó khăn, nếu thất nghiệp họ sẽ không có tiền trang trải chi phí hàng ngày. Còn tiếp tục đi làm, họ có nguy cơ bị lây nhiễm virus corona do tính chất công việc đòi hỏi họ tiếp xúc thường xuyên gần gũi với khách hàng.
Che Janezich, một bếp trưởng bộ phận, 35 tuổi, ở nhà hàng Omega Ouzeri tại thành phố Seattle, bang Washington, chỉ còn làm việc vài giờ mỗi ngày kể từ khi chính quyền yêu cầu đóng cửa các không gian ăn uống và chỉ phục vụ cho khách mua mang đi.
Trước đây, cô kiếm được mức lương 21 đô la/giờ và tổng thu nhập cả tháng khoảng 3.000 đô la. Nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh, giờ làm việc cô trong tuần tụt dần từ 45 giờ xuống còn 25 giờ và hiện nay là 11 giờ. Trong tháng này, cô buộc phải rút tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà.
“Mỗi ngày, bước trên đường phố, tôi đều thấy những người vô gia cư. Tôi luôn hiểu rằng mình chỉ là người sống nhờ lương và có nguy cơ ra đường như họ nếu mất thu nhập. Giờ đây, viễn cảnh này thậm chí thực tế hơn, thật đáng sợ”, cô Che Janezich chia sẻ.
Ông Andy Challenger, Phó Chủ tịch ở Công ty tư vấn việc làm Challenger, Gray & Christmas cho biết, làn sóng sa thải liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đang dồn dập ập đến ở Mỹ. Đầu tiên, nhiều công ty gặp khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và họ đã phải tạm cho một bộ phận nhân viên nghỉ việc. Tiếp đó, các hãng hàng không và du thuyền thông báo cho nghỉ việc không lương với hàng loạt nhân viên khi hoạt động đi lại hàng không và du lịch tê liệt.
Làn sóng sa thải thứ ba đang xuất hiện ở ngành nhà hàng và các ngành kinh doanh khác dựa vào lượng khách hàng ghé đến trực tiếp. Những lao động có kỷ năng thấp dễ dàng thay thế hơn những lao động có kỹ năng chuyên môn cao.
“Các đây mới chỉ 3 tuần, chúng ta đang ở trong một thị trường lao động thắt chặt nhất trong 50 năm nên các công ty có thể ngại sa thải. Nhưng tâm lý đó đang thay đổi qua mỗi ngày, mỗi giờ”, ông Challenger cho biết.
Không dám nghỉ việc dù sợ lây nhiễm
Có khoảng hơn 34 triệu người Mỹ nằm trong nhóm những người lao động dễ tổn thương nhất, tương đương 25% số lao động trong khu vực tư nhân.
Một nửa trong nhóm này, tức khoảng 17 triệu người, làm việc trong ngành nhà hàng, khách sạn, có thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình 18,58 đô la/giờ của tổng thể người lao động ở Mỹ. Chẳng hạn, mức thu nhập trung bình của các công việc nhà hàng chỉ 11,09 đô la/giờ.
Một nửa còn lại trong nhóm này làm việc ở các ngành bán lẻ, chăm sóc cá nhân, bảo trì..., có lương tối thiểu khởi điểm thấp đến mức 7,25 đô la/giờ tùy theo bang.
Dù đà tăng trưởng kinh tế kéo dài hơn 11 năm của Mỹ kéo tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp trong 50 năm, nhiều hộ gia đình Mỹ vẫn sống dựa vào đồng lương. Gần 40% người Mỹ không có sẵn tiền mặt để trang trải chi phí bất ngờ trị giá 400 đô la, theo khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi năm ngoái.
Làm việc từ xa ở nhà là điều không thể đối với người lao động trong các ngành dịch vụ như ăn uống, giải trí, lưu trú... Thậm chí, họ cũng không dám nghỉ ốm vì thu nhập sẽ bị giảm.
Thậm chí anh Chandler Schaffer, 23 tuổi, làm việc ở một tiệm cầm đồ ở bang Nam Carolina cho rằng, anh không muốn nghỉ ốm vì cần sự ổn định tài chính. Anh chỉ kiếm được mức lương 10,5 đô la/giờ nhưng phải tiếp tục làm việc dù đang bị bệnh đái tháo đường và rất sợ nhiễm virus corona.
“Bạn phải gần gũi với họ. Bạn phải bắt tay với họ. Công việc dịch vụ khách hàng là phải làm người khác cảm thấy thoải mái dù có thể điều này khiến bản thân cảm thấy không thoải mái do lo sợ bị lây nhiễm virus corona. Tuy nhiên bị nhiễm virus corona không đe dọa cuộc sống của tôi bằng việc không có tiền trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm”, anh Schaffer cho biết.
Công việc này là nguồn thu nhập duy nhất của anh nhưng giờ đây mọi người không cần anh nữa. Schaffer cũng không thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì anh là lao động tự do, không đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp này.
Anh kiếm được 4.000 đô la trong một tháng của sự kiện liên hoan phim thường niên South by Southwest ở Austin, thu hút 400.000 người vào tháng 3 năm ngoái. Nhưng năm nay, chính quyền đã hủy sự kiện đó để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trước khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Erin Schumacher, 41 tuổi, người làm phục vụ bàn ở hai nhà hàng tại Seattle và kiếm được khoảng 45.000 đô la/năm. Nhờ làm việc cật lực, cô bắt đầu tiết kiệm được một ít. Thế rồi dịch bệnh bùng lên, hai nhà hàng này phải đóng cửa ít nhất 8 tuần.
Giờ đây, cô phải đau đầu lên kế hoạch trả tiền thuê nhà và chi phí thuốc men. Cô mới xin được việc làm vận chuyển thiết bị y tế ở một bệnh viện địa phương với mức lương 23 đô la/giờ và sẽ đi làm vào ngày 30-3 tới.
“Tôi cũng hơi sợ về việc bị lây nhiễm Covid-19. Nhưng tôi cũng thấy vui khi làm việc hữu ích trong thời gian này khi có quá nhiều người tìm kiếm sự hỗ trợ ở các cơ sở y tế”, Erin Schumacher cho hay.
Ngành lữ hành và khách sạn, sử dụng hàng triệu người lao động lương thấp, đang hứng đòn nặng nề trong thời kỳ dịch bệnh. Sau nhiều năm có công việc ổn định, bà Dina Paredes, 52 tuổi, một người mẹ có 4 con, đang đối mặt với tương lai bất định. Bà là nhân viên lau dọn ở một khách sạn ở khu trung tâm Los Angeles, bang California trong 8 năm qua. Khi tỷ lệ lấp đầy phòng của khách sạn giảm mạnh trong tháng này, bà và các đồng nghiệp chuyển sang diện chờ gọi đi làm. Trong suốt tuần qua, bà không được gọi đi làm ngày nào cả.
“Dĩ nhiên, tình hình rất đáng lo. Tôi còn có gia đình. Tôi có nhiều hóa đơn phải thanh toán”, bà Dina Paredes cảm thấy thất vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận