COVID-19 tới 6 giờ ngày 22/1: Nhiều nước nới lỏng qui định chống dịch
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 3.281.268 trường hợp mắc COVID-19 và 8.108 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 346 triệu ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Vácsava, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 346.431.693 ca, trong đó có 5.601.102 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 21/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 600.000 ca), Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 400.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 275.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/1, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.
Người dân đeo khẩu trang N95 phòng dịch COVID-19 tại ga tàu hỏa ở San Mateo, bang California, Mỹ, ngày 11/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 70.544.862 ca mắc và 883.903 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 38.566.027 ca mắc và 488.422 ca tử vong; Brazil với 23.588.921 ca mắc và 622.251 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Chile ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với 12.500 ca. Đây cũng là lần đầu tiên số ca mắc tại nước này vượt ngưỡng 10.000/ngày. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc gia Nam Mỹ này hiện lên tới 1.916.522 ca, trong đó có 39.456 ca tử vong (sau khi có thêm 25 ca mới).
Chile ghi nhận trung bình 2.500 ca mắc mới/ngày trong tháng 12/2021. Tuy nhiên, sau khi biến thể Omicron xuất hiện và lây lan nhanh chóng trong tháng 1/2022, con số này đã tăng vọt lên 9.000 ca/ngày và là mức trung bình cao kỷ lục từ đầu đại dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Blackburn, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại Đức khi số ca nhiễm mới liên tục phá kỷ lục trong những ngày qua và tỷ lệ nhiễm trung bình 7 ngày cũng lên mức cao chưa từng thấy, hơn 700 ca/100.000 dân.
Theo Viện Robert Koch (RKI), Đức đã ghi nhận 140.160 ca mắc mới COVID-19 và thêm 170 ca tử vong. Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày cũng lên mức cao kỷ lục 706,3/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 470,6 ca đúng một tuần trước. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp tỷ lệ lây nhiễm chạm mức cao kỷ lục mới và là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới phá kỷ lục. Tỷ lệ nhập viện trung bình trong 7 ngày là 3,56 ca/100.000 dân.
Tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tới nay, Đức ghi nhận hơn 8,4 triệu ca mắc, trong đó có 116.485 ca tử vong. Theo Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG), số ca nhiễm biến thể Omicron ở mức cao đã tạo gánh nặng ngày càng lớn cho các bệnh viện nói chung tại các khu vực.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Còn giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 49.513 ca mắc mới COVID-19, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 41.335 ca/ngày ghi nhận hồi tháng 11/2021. Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây và chính quyền dự báo sự gia tăng mạnh trong những ngày tới do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tuần trước cảnh báo nước này có 2 tuần để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 và kêu gọi tăng cường xét nghiệm và đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.Đến nay, Nga đã ghi nhận 324.752 ca tử vong do COVID-19, mức tử vong cao nhất tại châu Âu.
Tại Ba Lan, nước này ghi nhận 36.665 ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 5 do biến thể Omicron lây lan đang gia tăng. Chính phủ Ba Lan cảnh báo rằng làn sóng mới nhất này sẽ đẩy số ca mắc lên mức chưa từng thấy, gây quá tải cho hệ thống y tế. Dự báo, trong những ngày tới, số ca mắc sẽ vượt 50.000 ca/ngày trong tuần tới, so với chỉ hơn 16.000/ngày trong tuần trước.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Hội đồng Hiến pháp của Pháp ngày 21/1 đã phê chuẩn các điều kiện liên quan đến thẻ thông hành vaccine đã được lên kế hoạch của chính phủ, trong đó yêu cầu những người trên 16 tuổi phải có thẻ mới được vào các địa điểm công cộng như nhà hàng hoặc rạp chiếu phim. Cho đến nay, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể vào những địa điểm trên nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Theo kế hoạch, thẻ thông hành vaccine sẽ có hiệu lực từ ngày 24/1 tới.
Cùng ngày, Ủy viên Y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides đã đề nghị các bộ trưởng y tế chuẩn bị triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 ngay khi dữ liệu cho thấy điều này là cần thiết. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên EU đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng y tế EU, bà Kyriakides nhấn mạnh các nước cần sẵn sàng tiêm mũi thứ 4 vaccine khi dữ liệu cho thấy điều này cần thiết. Bà khẳng định ưu tiên vẫn là tiêm chủng cho những người chưa tiêm, hiện vẫn chiếm khoảng 25% dân số EU.
Tuần này, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cho biết việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho những người suy giảm miễn dịch nghiêm trọng là hợp lý song cần có thêm bằng chứng. Cũng tại cuộc họp, giới chức EU cũng đã thảo luận việc phối hợp chính sách.
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Thâm quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới theo ngày trong cộng đồng thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Cụ thể, Trung Quốc có 23 ca lây nhiễm cộng đồng có triệu chứng, giảm so 43 ca so với một ngày trước đó.
Như vậy đây là ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng có triệu chứng giảm, với số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ 29/11/2021. Trung Quốc không ghi nhận ca tử vong nào. Đến nay, Trung Quốc đại lục xác nhận 105.484 ca mắc COVID-19 có triệu chứng, gồm cả lây nhiễm cộng đồng và nhập cảnh.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã vượt 47.000 ca, mức cao kỷ lục mới trong ngày thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng tại nước này. Thủ đô Tokyo xác nhận 9.699 ca mắc mới so với 8.638 ca của ngày trước đó, trong khi chính quyền tỉnh Osaka cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 6.254 ca. Nhiều khu vực tại Nhật Bản đang chật vật dối phó với làn sóng dịch thứ 6. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 2 triệu ca, tính đến ngày 20/1.
Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN |
Tại Australia, bang New South Wales (NSW) ghi nhận 46 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi bang Victoria và Queensland lần lượt ghi nhận 20 và 13 ca tử vong. Số ca mắc mới hằng ngày tại ba bang chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn ở mức cao.
Cụ thể, bang NSW có 25.168 ca mắc mới và 2.743 ca nhập viện, trong khi bang Victoria ghi nhận 18.167 ca mắc mới và 1.096 ca nhập viện. Bang Queensland có 16.031 ca mắc mới và 855 bệnh nhân đang điều trị COVID-19 trong bệnh viện.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 60.751 ca mắc mới COVID-19 và 359 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tới hết ngày 21/1, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á đã vượt 16.022.729 trường hợp và 311.569 ca tử vong. Trong ngày 21/1, Philiippines có số ca mắc mới cao nhất khu vực (trên 32.000 ca), còn Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (177 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy nhiên, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.
Ngày 21/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca bệnh mới ở mức cao và dẫn đầu toàn khối với 32.744 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 15.935 ca mắc mới.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 21/1 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới và 13 người tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Singapore. Ảnh: Ảnh: The Japan Times |
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 42 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 128.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 10 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho người dân tại Durban, Nam Phi, ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngày 21/1, Bộ Tài chính Nam Phi thông báo Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản cho vay 750 triệu USD hỗ trợ Nam Phi trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trước những tác động của đại dịch.
Thông báo cho biết khoản cho vay này của WB là nhằm bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương tại Nam Phi do những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội, đồng thời hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế bền vững và thích ứng của nước này.
Nam Phi là nền kinh tế lớn hàng đầu ở châu Phi. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 94.000 người nước này trong số 3,5 triệu ca bệnh. Đây là con số thiệt mạng do COVID-19 cao nhất tại châu Phi.
Trong khi đó, một loạt lệnh phong tỏa và các quy định phòng chống dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Nam Phi, làm tăng tỉ lệ lạm phát lên mức kỷ lục 34,9% trong quý III/2021. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, WB đã cung cấp hơn 157 tỉ USD hỗ trợ hơn 100 quốc gia giảm thiểu những tác động của đại dịch đối với kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận