Covid-19 thế giới 15/9: Mệt mỏi chờ viện trợ, châu Phi tự chủ vaccine; Indonesia chuẩn bị sống chung với dịch; Hàn Quốc ăn Tết Trung Thu không ngon
Theo Worldometers, đến nay, toàn cầu có gần 226,7 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 4,66 triệu ca tử vong và gần 203,4 triệu bệnh nhân bình phục.
* Tại châu Á
Ngày 15/9, số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày của Hàn Quốc quay lại mốc 2.000 ca sau khi các ca nhiễm mới ở khu vực thủ đô tăng lên mức cao kỷ lục trước kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu).
Giới chức Hàn Quốc cho biết, việc lơ là phòng dịch và người dân di chuyển nhiều là nguyên nhân khiến dịch lan mạnh tại khu vực thủ đô.
Hàn Quốc đặc biệt lo ngại về một đợt bùng phát lây nhiễm mới sau kỳ nghỉ lễ Chuseok kéo dài, khi hàng chục triệu người dự kiến sẽ đi du lịch khắp đất nước.
Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1/2021. Tính đến hết ngày 14/9, 74.257.515 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất và 42.565.331 người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine.
Indonesia đang xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu (endemic) để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường cho người dân.
Lộ trình này được điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh trong nước, với ba mục tiêu gồm giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 2%, số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly dưới ngưỡng 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.
Trước đó, Indonesia đã công bố 3 chiến lược trọng tâm sống chung với dịch Covid-19, bao gồm nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, điều trị (3T) và tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế.
Sáng 15/9, sau gần 6 tháng đóng cửa vì dịch, hàng trăm trường trung học trên nhiều tỉnh thành của Campuchia đã chính thức mở cửa trở lại.
Hoạt động khai trường tại riêng thủ đô được tổ chức đơn giản nhưng chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế.
Đây là những nỗ lực lớn của chính phủ và ngành giáo dục Campuchia sau một tháng nghiên cứu, chuẩn bị các phương án nhằm mở cửa lại trường học khi gần 2 triệu thanh thiếu niên trên cả nước đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
* Tại châu Âu
Kế hoạch ứng phó với dịch của Anh trong mùa Thu Đông, gồm 2 phương án, theo đó kế hoạch A tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng, khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay và thực hiện xét nghiệm.
Trong trường hợp dịch gây áp lực quá lớn lên hệ thống y tế, kế hoạch B sẽ được kích hoạt, theo đó, hộ chiếu vaccine, đeo khẩu trang và làm việc tại nhà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.
Hiện Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Tại Bỉ, Bộ trưởng Y tế Frank Vandenbroucke không ủng hộ việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, do hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự cần thiết của việc này.
Ông Vandenbroucke khẳng định việc thúc đẩy tiêm chủng ở các nước đang phát triển là cần thiết hơn và là vấn đề của tình đoàn kết quốc tế.
Bỉ dự kiến trong tuần sau sẽ gửi giấy mời tiêm mũi thứ 3 cho 350.000-400.000 công dân nước này. Đây là những đối tượng có hệ thống miễn dịch suy giảm, như bệnh nhân HIV hoặc ung thư.
* Tại châu Mỹ
Chính quyền Mỹ đang vận động các nhà lãnh đạo bang và địa phương áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp đặt các quy định nghiêm ngặt, theo đó bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, nhân viên của các tập đoàn lớn và các nhà thầu liên bang.
Ông Biden khẳng định các biện pháp mới là cần thiết để thúc đẩy một bộ phận nhỏ dân số của Mỹ đi tiêm chủng, dù đây không phải là một giải pháp khắc phục nhanh chóng.
Trong khi đó, Chile đã khởi động chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Dự kiến đến cuối tháng này sẽ tổ chức tiêm đại trà cho tất cả trẻ em trong độ tuổi này tại các trường học trên cả nước.
Đến nay, Chile đã tiêm mũi vaccine thứ nhất cho khoảng 1,6 triệu trẻ vị thành niên từ 12-18 tuổi và khoảng 600.000 trẻ trong độ tuổi này đã hoàn tất 2 mũi vaccine.
Các nhà khoa học cũng đẩy nhanh nghiên cứu để đề xuất việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Chương trình tiêm chủng toàn dân được Chile khởi động từ hồi đầu tháng 3 và đến nay, 87% dân số đã hoàn tất các mũi tiêm cần thiết; một lượng lớn người dân cũng bắt đầu được tiêm mũi tăng cường.
Đến nay Chile đã ghi nhận 1,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 37.237 trường hợp tử vong.
Các nhà khoa học cảnh báo từ nay đến cuối năm, thế giới cần chuẩn bị đối phó với dịch ở cấp độ lớn hơn những gì đã diễn ra và dịch sẽ chỉ chấm dứt sau khi tất cả người dân đều hoặc đã nhiễm bệnh hoặc đã tiêm vaccine.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ) Michael Osterholm dự báo, thế giới có thể bùng phát đợt dịch mới vào Thu Đông khi hàng tỷ người chưa được tiếp cận vaccine.
Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh, vẫn sẽ có nhóm người thuộc diện dễ bị tổn thương trước virus SARS-CoV-2. Giới chuyên gia tin tưởng tiêm chủng giúp giảm nguy cơ tử vong, diễn tiến bệnh nặng và là chìa khóa then chốt.
* Tại châu Phi
Ngày 14/9, Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố các nước trong khu vực muốn mua vaccine hơn chờ đợi vaccine viện trợ, đồng thời hối thúc các quốc gia sản xuất dược phẩm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu vaccine để tạo điều kiện cho châu Phi tự giải quyết tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vaccine.
Mới đây, AU đã thành lập Nhóm đặc trách mua vaccine Covid-19 châu Phi (AVAT) để triển khai mua vaccine cho các nước thành viên trong một khuôn khổ song song với cơ chế COVAX.
Ngoài ra, châu Phi cũng đang xây dựng năng lực sản xuất riêng đồng thời kêu gọi việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chỉ có 2% lượng vaccine Covid-19 đã tiêm trên toàn cầu được sử dụng tại châu Phi, dẫn đến hậu quả là chỉ có 2 quốc gia tại lục địa này đạt được chỉ tiêu của WHO về hỗ trợ tất cả nước tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay.
Theo thống kê của AFP, chỉ có 9 liều vaccine được tiêm trên mỗi 100 người tại châu Phi. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 118 liều/100 người tại Mỹ, hay 104 liều/100 người tại châu Âu. Châu Á, Mỹ Latinh - Caribbean và Trung Đông lần lượt có 85, 84 và 54 liều trên mỗi 100 người dân.
Trong nỗ lực tự chủ về vaccine, giới chức Ai Cập đang tiến hành đàm phán với công ty dược phẩm Moderna của Mỹ để sản xuất vaccine Moderna tại Ai Cập.
Cụ thể, Ai Cập muốn bố trí một dây chuyền sản xuất tại các nhà máy của công ty Vacsera để sản xuất vaccine Moderna ở trong nước.
Đại diện Moderna xác nhận rằng công ty này sẵn sàng cung cấp các lô vaccine Moderna mới cho Ai Cập cũng như cung cấp cho Cairo các thông tin cập nhật về kế hoạch phát triển vaccine.
Ai Cập cũng dự định sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine Inovac mỗi năm, qua đó trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất ở châu Phi và Trung Đông.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận