Covid-19 tạo áp lực đẩy thị trường ví điện tử phát triển nhanh
Khoảng thời gian nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 cũng là giai đoạn bùng nổ của các ví điện tử với số lượng người dùng tăng vọt, theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” được Công ty công nghệ giải trí số Appota công bố ngày 11-5.
Giai đoạn bùng nổ của ví điện tử
Số liệu từ Appota cho biết, với đại dịch Covid-19 và sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, trong năm 2020 các ví điện tử đứng đầu tại Việt Nam đã thu hút được lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ.
Báo cáo dẫn ví dụ tháng 9-2020, ví Momo công bố đạt 20 triệu người dùng cá nhân, trở thành ví điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Ngay sau đó trong báo cáo Economy SEA 2020 của Google cho biết startup thanh toán VNPay đã được định giá trên 1 tỉ đô la Mỹ, VNPay được công nhận ví điện tử lớn thứ hai tại Việt Nam.
So sánh lượt tải giữa ba thương hiệu ví điện tử dẫn đầu Việt Nam, báo cáo của Appota cho biết Momo giữ vị trí là ví điện tử được tải nhiều nhất. Trong đó, đỉnh điểm là tháng 2 và tháng 3-2020, Momo đã có số lượt tải lần lượt đạt 992.000 và 839.000.
ViettelPay và ZaloPay có sự cạnh tranh gay gắt khi ZaloPay bứt phá mạnh trong quí cuối cùng của năm 2020 với mưc tăng trưởng mạnh về lượt tải. Tuy nhiên, tính đến tháng 2-2021 thì lượt tải của ZaloPay đã vượt qua ViettelPay.
Chính sự sôi động của ví điện tử đã làm cho thị trường thanh toán hấp dẫn nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Năm 2020 có 121 startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam thì lĩnh vực thanh toán điện tử có số lượng lớn nhất, chiếm 31%. Cao gấp hai lần so với lĩnh vực P2P lending (cho vay ngang hàng) với 16%.
95% người Việt theo khảo sát có sử dụng internet qua di động
Theo Appota, năm 2020 có 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại di động, 64% trong số đó có kết nối internet di động 3G/4G. Có 70% dân số Việt sử dụng internet (cả qua thiết bị di động và kết nối internet cố định có dây). Trong đó có 95% người dùng internet qua di động. Thời gian sử dụng internet trung bình hàng ngày của một người Việt là 6,5 giờ (cả qua di động và internet cố định) còn sử dụng internet qua di động là 3 giờ 18 phút.
Báo cáo trên của Appota cho biết, chiếm nhiều nhất (28%) số người sử dụng internet tại Việt Nam ở từ 25-34 tuổi; đứng thứ nhì (23%) là độ tuổi 15-24, thứ 3 (20%) là độ tuổi 35-44, 17% là ở độ tuổi 6-14...
Bản báo cáo của Appota dẫn số liệu từ QandMe cho biết, tần suất sử dụng điện thoại thông minh của người Việt (cả để kết nối internet lẫn giải trí, chơi trò chơi mà không có kết nối internet) đã có sự tăng trưởng đáng kể vào năm 2020. Cụ thể thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng gia tăng 25%, từ 4 giờ/ngày trong năm 2019 lên lên 5,1 giờ/ngày trong năm 2020...
73% dân số dùng mạng xã hội
Số liệu của Appota cho biết có 72 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, tương đương 73% dân số. Theo cuộc khảo sát, mỗi ngày, một cư dân mạng sử dụng mạng xã hội với thời gian trung bình là 2 giờ 21 phút.
Trong nhóm người dùng từ 16-64 tuổi, YouTube và Facebook được ghi nhận là hai mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với tỉ lệ sử dụng lên tới 91-92%. Đối với các ứng dụng nhắn tin, Zalo đã vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tín phổ biến nhât tại Việt Nam.
Trong các ứng dụng, phần mềm cài trên thiết bị thông minh, mạng xã hội và ứng dụng xem phim, nhắn tin là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người tiêu dùng Việt sử dụng. Vì vậy Facebook và Youtube cũng là hai ứng dụng mà người tiêu dùng dành nhiều thời gian nhất khi sử dụng điện thoại thông minh với lần lượt chiếm 25% và 12% thời gian sử dụng. Zalo và Messenger là hai ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, chiếm 6-7% thời lượng sử dụng.
Với 30% người dùng di động tại Việt Nam đã cài đặt TikTok. Số lượng tài khoản đăng ký đạt 12 triệu người vào năm 2019. Tính đến năm 2020 TikTok đã trở thành mạng xã hội phổ biến thứ tư tại Việt Nam sau Facebook, Zalo và Instagram. Tuy nhiên TikTok lại có lượng người dùng tập trung hơn so với các mạng xã hội khác, đó là đối tượng trẻ với độ tuổi từ 16 - 24 tuổi.
Vẫn theo số liệu từ báo cáo trên, năm 2020 tốc độ internet di động tại Việt Nam đạt 60,88 Mbps, tăng 40,7% so với năm 2019. Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia có giá cước internet rẻ nhất trên toàn cầu, với mức cước trung bình 260.000 đồng/người/tháng.
Thêm vào đó, smartphone đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi và sự phổ biến, hạ tầng và chất lượng Internet tại Việt Nam phát triển đã khiến tốc độ Internet di động được cải thiện đáng kể, xếp thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
Appota được thành lập vào năm 2011 với định vị ban đầu là một công ty phân phối ứng dụng điện thoại thông minh và phát hành trò chơi. Tận dụng mạng lưới người dùng lớn và sự hiện diện mạnh mẽ trong cộng đồng trò chơi, Appota đã phát triển trở thành một trong những nền tảng giải trí di động lớn tại Việt Nam với hơn 55 triệu người dùng Internet trên sáu lĩnh vực kinh doanh chính: giải trí trực tuyến, quảng cáo, thanh toán số và fintech, giải pháp dịch vụ phần mềm cho doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử và hạ tầng internet. Appota bao gồm 4 công ty thành viên: Gamota (công ty phát hành game), Adsota (công ty digital marketing), AppotaPay (công ty giải pháp thanh toán số và Fintech) và Kdata (công ty giải pháp điện toán đám mây). |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận