Covid-19 tại các tỉnh phía Nam: TP. Hồ Chí Minh mở lại chợ; không kiểm tra giấy xét nghiệm lái xe vận chuyển hàng hóa; dừng thu phí BOT
Nhiều chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh sẽ được mở cửa trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tổ chức vào chiều tối ngày 19/7.
Theo đó, đối với các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động thì chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K.
Các chợ tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn.
Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại chợ sẽ do Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế quyết định.
Nhằm giúp cho việc hoạt động trở lại của các chợ truyền thống được hiệu quả, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn đến ban quản lý và tiểu thương tại các chợ giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ.
Sở cũng hướng dẫn các chợ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch như: nguyên tắc 5K, phân luồng, bán hàng theo gói để đẩy nhanh thời gian mua hàng của người dân...
Hiện Tp. Hồ Chí Minh có 39 chợ vẫn còn hoạt động, chủ yếu tập trung ở thành phố Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi cùng 3 chợ vừa mở cửa trở lại sau thời gian ngưng hoạt động là chợ Phú Thọ (Quận 11), chợ An Đông (Quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân).
Các quận, huyện còn lại đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn. Dự kiến, có khoảng 40 chợ truyền thống sẽ sớm mở lại nếu đáp ứng các điều kiện trên.
* Tối 19/7, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp giao ban trực tuyến với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng.
Tại cuộc họp này, các đại biểu đã thống nhất quan điểm không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe vận chuyển hàng hóa trong nội vùng 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng, chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72h.
Các Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe phải đảm bảo mọi quy định về xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT; Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam; Công ty TNHH thu phí tự động VETC; Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các Cục Quản lý đường bộ đề nghị tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, sẽ thực hiện tạm dừng thu phí các trạm trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian dừng thu phí từ 0h ngày 20/7/2021 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, VEC bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí; có phương án để kịp thời tổ chức thu phí trở lại ngay sau khi hết thời gian giãn cách.
Đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, VEC thực hiện miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT và Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Đồng thời, miễn phí với các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp BOT phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các đoàn xe nêu trên lưu thông qua trạm thu phí nhanh nhất.
Đối với các dự án do UBND tỉnh, thành phố là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND căn cứ vào tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tại địa phương, xem xét việc tạm dừng và miễn phí tại các trạm thu phí để hỗ trợ phòng chống dịch.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý, việc tạm dừng thu phí, miễn phí cho các xe nêu trên phải được lập biên bản, ghi nhận sự việc và lưu trữ đầy đủ đúng quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao các Cục Quản lý đường bộ giám sát việc tạm dừng thu phí của các trạm thu phí trên địa bàn quản lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận