24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Covid-19 sáng 9/2: Hơn 60% phụ huynh được khảo sát đồng ý tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, nhiều tỉnh ca mắc mới cao kỷ lục

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế, găng tay y tế từ ngày 15/3, cảnh báo sự gia tăng ca mắc Covid-19 trở lại ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 7/2 đến 16h ngày 8/2), Việt Nam ghi nhận 21.909 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 14.982 ca trong cộng đồng).

Hiện Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.380.695 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).

Hơn 60% phụ huynh được khảo sát đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi phải được thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.

Bộ Y tế khẳng định đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm chủng vaccine cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi.

Theo đó, để chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia đã cho kết quả như sau: 60,6% đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, đầy đủ về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất một số đồ dùng phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Công Thương vừa có Thông tư 03/2022/TT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch.

Theo Thông tư này, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) trong danh mục tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2022/TT-BCT.

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 15/3/2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Quy định này áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Thông tư 03/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.

3 nhóm F0 khỏi bệnh nên đi khám hậu Covid-19

Tại Hà Nội, trong quãng thời gian nghỉ Tết Nhâm Dần, lượng F0 khỏi bệnh cần tư vấn hậu Covid-19 không giảm. Mỗi ngày, hotline phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số điện thoại riêng của bác sĩ, zalo, facebook, fanpage của viện tiếp nhận và tư vấn cho hàng chục trường hợp.

Tương tự, dù ngày Tết, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên chủ chốt "nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" - phải trả lời tới hơn 60 trường hợp cả F0 đang điều trị lẫn hậu Covid-19.

Theo BS Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một số nhóm F0 sau khi khỏi bệnh (âm tính) cần lưu ý vấn đề khám hậu Covid-19 như:

- Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá...);

- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn;

- Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).

Vậy sau khỏi Covid-19 khoảng bao lâu thì nên đi khám? Theo BS Tiến, nếu không có triệu chứng quá đặc biệt, sau 1 tháng kết thúc cách ly thì nên tái khám. Trường hợp có triệu chứng hậu Covid-19 thì nên đi sớm hơn để phát hiện sớm.

TP. Hồ Chí Minh cảnh báo nguy cơ gia tăng dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022 sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo đó, nhằm tiếp tục duy trì và đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường rà soát, lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng Covid-19.

Sở Y tế cũng yêu cầu tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân; không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vaccine Covid-19; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm Covid-19 và xử trí theo quy định.

Hà Nam ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng cao nhất từ đầu năm đến nay

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố 189 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 8/2. Đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất ở Hà Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo BS. Trương Mạnh Sức, Giám đốc CDC Hà Nam, trong số 189 F0 có đến 164 ca cộng đồng được phát hiện qua sàng lọc y tế. Ngoài ra, các ổ dịch tại một số trường học trên địa bàn cũng phát sinh thêm nhiều trường hợp dương tính.

Giám đốc CDC Hà Nam cũng thông tin, tính từ ngày 19/9/2021 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 6.962 trường hợp mắc Covid-19; trong đó 5.915 trường hợp đã khỏi bệnh, ra viện. Địa phương này cũng đã ghi nhận 4 trường hợp mắc Covid-19 tử vong.

Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa vượt ‘đỉnh’ số ca mắc mới

Thời quan gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở Hải Dương có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Riêng ngày 7/2, địa phương này ghi nhận 845 trường hợp bệnh nhân mắc mới và đến hôm qua, lần đầu tiên Hải Dương có số ca mắc vượt qua mốc 1.000 bệnh nhân.

Theo CDC Hải Dương, ngày 8/2, trên địa bàn ghi nhận 1.245 bệnh nhân mắc Covid-19 mới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Hải Dương có số ca mắc đạt kỷ lục trong 1 ngày.

Trong số những bệnh nhân có 704 trường hợp là F1, 220 ca ho sốt cộng đồng, 274 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 4 bệnh nhân sàng lọc tại bệnh viện, 43 trường hợp về từ các tỉnh khác.

Số ca mắc Covid-19 tại Nghệ An tiếp tục lập kỷ lục mới với 2.258 F0 trong vòng 24h. Số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng chiếm gần 1/4 với 496 trường hợp.

Trong ngày, địa phương này có 113 trường hợp được điều trị khỏi và xuất viện, không ghi nhận ca tử vong. Đến nay, Nghệ An có 20.589 bệnh nhân Covid-19, 13.542 bệnh nhân đã khỏi, 47 trường hợp tử vong, hiện còn 7.000 ca đang điều trị.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 8/2, tỉnh ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định.

Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

F0 tăng liên tục, Hà Tĩnh hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội dịp Rằm tháng Giêng

Ngày 8/2, Hà Tĩnh có 498 ca mắc Covid-19, trong đó 354 ca cộng đồng. Như vậy, từ 1/1/2022 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 2.658 ca mắc Covid-19, trong đó 1.180 ca cộng đồng, 149 ca trong khu vực phong tỏa và 1.329 ca đã được cách ly trước đó.

Sau dịp Tết Nguyên đán, ở Hà Tĩnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhanh, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Cụ thể, thực hiện nghiêm và ở mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm 5K; hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động đông người sau Tết Nguyên đán như: đi lễ hội tại các đền, chùa; các hoạt động trong dịp Rằm tháng Giêng...

Đối với các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo đánh giá chính xác cấp độ dịch tối thiểu hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế; định kỳ báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và báo cáo ngay khi có thay đổi cấp độ dịch trên địa bàn.

Đồng Nai tuần thứ 3 liên tiếp là vùng xanh

Trung tâm Chỉ huy Điều hành phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai thông tin, số ca tử vong do Covid-19 của tỉnh này giảm, trung bình 5 ca/ngày (từ trung bình 8 ca/ngày ở tuần trước), phần lớn các ca bệnh tử vong do Covid-19 trong tuần đều mắc bệnh nền (chiếm 71,43%) như suy tim, suy thận, đái tháo đường type 2, tai biến mạch máu não, béo phì...

Tỉnh Đồng Nai đã triển khai 32 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 với tổng số hơn 6,14 triệu liều được Bộ Y tế phân bổ. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 103,32%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 99,48%, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt gần 19,29%.

Về công tác cách ly giám sát, hiện trên địa bàn tỉnh còn 4 huyện, thành phố duy trì hoạt động các khu cách ly tập trung do huyện quản lý bao gồm: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, với 18 khu cách ly, tổng số 3.165 giường phục vụ người không đủ điều kiện thực hiện cách ly tại nhà.

Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đồng Nai đã cơ bản đã được kiểm soát, số ca tử vong và chuyển nặng cũng dần được khống chế ở mức thấp.

Tuy nhiên, dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong trường hợp có sự xâm nhập của biến chủng Omicron vào địa bàn tỉnh. Tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 190 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 16 tỉnh, thành phố.

Đồng Nai tiếp tục được đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 1 (bình thường mới) và 100% các huyện, thành phố đều ở cấp độ 1. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp Đồng Nai là vùng xanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả