Covid-19 sáng 12/12: Ca mắc mới tăng mạnh; dịch rất nóng ở Hà Nội, Đắk Lắk, Huế; Hải Phòng thu phí điều trị nếu F0 không tiêm vaccine
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.398.413 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.183 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034 ca, trong đó có 1.050.608 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (486.043), Bình Dương (286.877), Đồng Nai (91.880), Long An (39.165), Tây Ninh (37.776).
Tính từ 16h ngày 10/12 đến 16h ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó 37 ca nhập cảnh và 16.104 ca trong nước (tăng 1.285 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.478 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.789 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11/12: 1.084 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.053.425 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.558 ca.
Từ 17h30 ngày 10/12 đến 17h30 ngày 11/12 ghi nhận 209 ca tử vong, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 221 ca.
Hải Phòng sẽ thu phí điều trị các F0 không chịu tiêm vaccine
Từ ngày 1/1/2022, Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị thực hiện thu phí điều trị đối với các trường hợp F0 (không có chống chỉ định tiêm phòng Covid-19) nhưng không thực hiện tiêm vaccine.
Hải Phòng kêu gọi toàn dân tự trang bị các thiết bị test thử, máy đo nồng độ oxy SPO2 (độ bão hòa oxy trong máu) để tự xét nghiệm khi cần thiết và chủ động trong việc tự kiểm tra sức khỏe.
Đồng ý thành lập Trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp nhưng phải đảm bảo khu vực để bố trí cách ly F1 và điều trị F0 tại chỗ. Giao UBND các quận, huyện phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương triển khai thực hiện.
Tối 11/12, CDC Hải Phòng thông tin, trong ngày, địa phương ghi nhận 260 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó phần lớn qua sàng lọc tại các khu công nghiệp.
Địa bàn có số ca F0 nhiều nhất là huyện An Dương với 41 ca, là các trường hợp sàng lọc trong khu công nghiệp Tràng Duệ và Nomura.
Hà Nội: 731 ca mắc mới
Bản tin Covid-19 ở Hà Nội tối 11/12 thông báo 24 giờ qua, thành phố ghi nhận 731 ca mắc mới trong đó có 204 ca cộng đồng, khu cách ly (444), khu phong tỏa (83).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 17.553 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.545 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.008 ca.
UBND TP. Hà Nội ngày 11/12 cũng có Thông báo số 842/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 9h ngày 10/12.
Theo đó, Hà Nội điều chỉnh cấp độ dịch cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước.
Cụ thể, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), giảm 1 địa bàn so với công bố vào ngày 3/12; 21 quận, huyện ở cấp độ 2 (giảm 2 quận, huyện) và 1 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam).
Với 1.336 ca cộng đồng được ghi nhận trong 14 ngày qua, tương ứng với 177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần, Đống Đa là quận duy nhất ở Hà Nội đang ở cấp độ 3.
Thừa Thiên-Huế thêm 235 ca mắc mới
Tối 11/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, kết quả đến 18h, qua test nhanh đã phát hiện thêm 346 ca dương tính, có 235 ca bệnh khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 có mã bệnh của Bộ Y tế.
Trong 235 ca mắc Covid-19 mới này, được phát hiện tại khu cách ly tập trung 4 ca, giám sát y tế tại nhà 8 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 135 ca và tại cộng đồng 88 ca.
Các ca mắc trong cộng đồng có địa chỉ nơi ở chủ yếu tại TP Huế, ngoài ra có 1 số ca tại huyện Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Thủy.
Đến nay, toàn tỉnh có 6.306 ca F0, bao gồm cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến BV TW Huế điều trị. Hiện đang điều trị 2.540 ca, đã được điều trị khỏi 3.755 ca.
Có 11 ca tử vong, trong đó có 4 ca bệnh nặng từ các tỉnh khác chuyển đến và các trường hợp tử vong đều do già yêu, bệnh nền.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cũng vừa ban hành công văn triển khai thực hiện Công điện số 1988/CĐ-BYT về việc về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.
Đắk Lắk lập nhiều trạm y tế lưu động ở 'điểm nóng'
Tính từ 27/4 đến ngày 11/12, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 9.052 ca mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 2.346 ca; đã khỏi bệnh 6.657 ca; tử vong 49 ca.
Nhiều nơi phát hiện ca bệnh là tại các buôn làng, ý thức phòng dịch Covid-19 của người dân chưa được nâng cao.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), từ những ngày bám sát địa bàn Đắk Lắk để hỗ trợ tỉnh này chống dịch cho thấy, việc tuyên truyền cần đẩy mạnh, kết nối chặt chẽ người có uy tín và nhân viên y tế cơ sở.
Trong số các địa phương ở Đắk Lắk thì TP Buôn Ma Thuột là "điểm nóng" với nhiều ca mắc Covid-19 nhất. Từ 27/4 đến 11/12, thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 2.436 ca; tử vong 17 ca.
Để ứng phó với dịch bệnh, TP Buôn Ma Thuột đã thành lập 25 Trạm Y tế lưu động, 248 tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà. Thành lập tổ điều phối chuyển bệnh nhân có chuyển biến nặng vào bệnh viện tầng 2 để điều trị.
Trong thời gian tới, Buôn Ma Thuột tiếp tục triển khai thực hiện việc cách ly y tế tại nhà đối với F1, điều trị F0 tại nhà cho những người đủ điều kiện.
Chủ động năng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở trong công tác tiếp cận, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân. Thực hiện đánh giá cấp độ dịch ở quy mô nhỏ nhất, giảm phạm vi phong tỏa cách ly y tế mức tối thiểu.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền thông điệp 5K và các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các khu dân cư.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Đắk Lắk. (Nguồn: SKĐS) |
Bộ Y tế chỉ rõ 8 bước cần làm khi phát hiện người nghi mắc Covid-19 tại khu dịch vụ
Tại Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng", Bộ Y tế hướng dẫn xử trí khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở (gọi là người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19) tại khu dịch vụ, cần thực hiện theo các bước sau:
- Thông báo cho cán bộ quản lý khu dịch vụ và cán bộ y tế phụ trách địa bàn.
- Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đeo đúng cách.
- Người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác.
- Đơn vị quản lý khu dịch vụ đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại khu dịch vụ.
Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời: Bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).
Phòng cách ly tạm thời phải đảm bảo: Thoáng khí, thông gió tốt; Hạn chế đồ đạc trong phòng; Có chỗ rửa tay; Có thùng đựng rác có nắp đậy kín; Có khu vực vệ sinh riêng.
- Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.
- Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến cơ sở y tế.
- Lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại khu dịch vụ khi cơ quan y tế yêu cầu.
- Thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn khi cơ quan y tế yêu cầu. Theo đó, đối với nền nhà, tường, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu vui chơi của trẻ em, nhà hàng ăn uống, quầy kinh doanh thức ăn ngay, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 2 lần/1 ca làm việc hoặc 1 ngày.
Đối với nhà hàng tiến hành khử khuẩn mặt bàn ăn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.
Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bảng điều khiển thang máy, cabin thang máy, giỏ hàng, xe đẩy hàng: khử khuẩn ít nhất 4 lần/ngày.
Tăng cường thông khí tại các phòng và các khu vực của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa (nếu có thể).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận