Covid-19 ở Việt Nam sáng 6/9: Chuẩn bị kịch bản "thích ứng an toàn với dịch bệnh"; Bình Dương nới lỏng giãn cách; Hà Nội chưa xử phạt về giấy đi đường
Hơn nửa triệu người nhiễm Covid-19, 13.074 ca tử vong. Bình Dương nới lỏng giãn cách xã hội với 4 huyện. Hà Nội chưa xử phạt về giấy đi đường.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 520.013 ca, trong đó có 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (251.414), Bình Dương (132.433), Đồng Nai (28.549), Long An (25.085), Tiền Giang (10.571).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.211
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 291.727
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.207
- Thở máy không xâm lấn: 146
- Thở máy xâm lấn: 892
- ECMO: 31
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 281 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (222), Bình Dương (38), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Long An (3), Bình Thuận (2), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 494.098 xét nghiệm cho 807.773 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.201.086 mẫu cho 38.990.152 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
Trong ngày 4/9 có 336.381 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.
Việt Nam chuẩn bị kịch bản 'thích ứng an toàn với dịch bệnh'
Chiều 5/9, trong cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu "Khi thực hiện được mục tiêu về tiêm vaccine, có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn, trên các lĩnh vực giao thông, đi lại, sản xuất, dịch vụ"
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu truyền thông là để dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm, chỉ có như vậy với sức mạnh của nhân dân mới chống dịch thành công. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, của nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm đạt mục tiêu đưa đất nước trở lại tình trạng bình thường mới.
Ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nói: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".
Ba ngày sau, tại cuộc làm việc với các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nhấn mạnh không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc. Ông dẫn chứng, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh.
Trong cuộc họp chiều 5/9, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi người dân thông cảm, tích cực tham gia chống dịch, nhất là thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ông nói, các biện pháp chống dịch hiện nay được đúc rút từ thực tiễn gần hai năm qua, có tiếp thu ý kiến xác đáng của người dân, nhà khoa học, tham khảo cách làm của thế giới. Tuy nhiên "kết quả chưa được như mong muốn". Một trong những nguyên nhân là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp còn bất cập. Có nơi giãn cách xã hội chưa triệt để hoặc chưa có mục tiêu rõ ràng.
Các địa phương giãn cách xã hội tiếp tục xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân; phấn đấu đến giữa tháng 9, tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu tất cả người dân 2-3 ngày một lần; khu vực khác xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần. Vùng xanh xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm F0.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vaccine ở các cấp Bộ trưởng, Chính phủ và nguyên thủ quốc gia, cả song phương và đa phương nhằm đưa vaccine về nước nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho nhân dân.
Tới ngày 4/9, Việt Nam đã nhận 33 triệu liều vaccine, tăng gấp 2 lần so với đầu tháng 8. Dự kiến tới cuối tháng 9, tổng cộng sẽ có khoảng 50 triệu liều vaccine về Việt Nam. Sau các cuộc điện đàm của Thủ tướng, các hãng vaccine đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao vaccine cho Việt Nam.
8 tỉnh, thành 'kiểm soát tốt dịch bệnh'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chiều 5/9. Cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành; 705 quận, huyện; hơn 9.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong giai đoạn giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội (22/8 đến 4/9) tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca nhiễm. TP HCM ghi nhận tổng số 245.188 ca trong đợt dịch thứ tư (từ cuối tháng 4/2021), chiếm hơn 48% cả nước. Số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục tăng, do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát diện rộng.
Trong 23 địa phương đang giãn cách xã hội, Bộ Y tế phân loại thành ba nhóm, dựa trên các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh.
TP. Hồ Chí Minh: 0,8% mẫu xét nghiệm ở vùng xanh dương tính
Tỷ lệ mẫu dương tính tại TP.HCM khi xét nghiệm vùng xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%; “vùng cam” và “vùng đỏ” đợt 1 là 3,6% và đợt 2 là 2,7%.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), UBND TP.HCM đã ban hành văn bản liên quan đến việc tăng cường công tác xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn đến ngày 15/9.
Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai công tác xét nghiệm phát hiện triệt để các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, thu gọn vùng nguy cơ cao và rất cao, mở rộng và kiểm soát vùng an toàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước 15/9.
Nội dung văn bản yêu cầu đến ngày 15/9, người dân ở vùng đỏ, vùng cam được xét nghiệm ít nhất 3 lần và người dân ở các vùng còn lại xét nghiệm ít nhất 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần. Đồng thời khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Cụ thể, tại các vùng đỏ, vùng cam tiến hành xét nghiệm vòng 3 đối với quận, huyện đã hoàn thành vòng 2; xét nghiệm hộ gia đình theo phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong hộ gia đình/mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh; tần suất lặp lại 2-3 ngày/lần.
Chia sẻ về tiến độ xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc HCDC thông tin, đến 4/9, các quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm hoàn toàn 5 vùng, trong đó Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7, Gò Vấp hoàn thành sớm nhất.
Đến 5/9, các địa phương hoàn thành 80% trong đợt 2, dự kiếm hoàn thành trong ngày 6/9.
"Tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm vùng xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%. Riêng vùng cam và vùng đỏ, trong đợt 1 tỷ lệ dương tính là 3,6% và đợt 2 là 2,7%"- ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm.
Hà Nội có 8/11 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây
Sở Y tế Hà Nội tối 5/9 cho biết, tính từ 18h ngày 4/9 đến 18h ngày 5/9, Hà Nội ghi nhận 53 ca, trong đó thêm 2 ca tại cộng đồng. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.527 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.964 ca.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 5/9, Bộ Y tế cho biết tại Hà Nội, đến nay có 11 chuỗi lây nhiễm gồm 3 chuỗi đã xác định được nguồn lây và 8 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây, trong đó ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), ổ dịch phường Văn Miếu và Văn Chương (ở Đống Đa), ổ dịch Giáp Bát (Hoàng Mai) đang là những ổ dịch có diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn thành phố. Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày trên 70 ca.
Bộ Y tế cũng nhận định, cùng với các tỉnh/thành như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên thì Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi trong tuần qua có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế khoảng 15-30%, nên thời gian tới vẫn có thể phát sinh thêm các ổ dịch mới.
Trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3979/QĐ-BYT và Quyết định số 3989/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Hà Nội thuộc nhóm đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Ngày 5/9, Công an TP. Hà Nội đã công bố thêm 2 số hotline để phục vụ tối đa việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký giấy đi đường, theo quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 (phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19).
Tối 5/9, thông tin tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy TP. Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý Vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường.
Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6/9 và 7/9, các lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, khi vận hành các chốt Vùng 1, 2, 3, thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời, từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu.
Bình Dương nới lỏng giãn cách xã hội đối với 4 huyện “vùng xanh”
Từ ngày mai 6/9, Bình Dương sẽ nới lỏng giãn cách xã hội đối với 04 huyện “vùng xanh” phía Bắc của tỉnh gồm: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Các địa phương này sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+.
Các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên sẽ nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc 15 nâng cao sau 46 ngày áp dụng Chỉ thị 16.
Từ 0h ngày 6/9, huyện Dầu Tiếng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 sau khi địa phương này cơ bản thiết lập "vùng xanh an toàn". Hiện chỉ còn một vài ấp, khu phố có những "điểm vàng", sẽ được "xanh hoá" trong những ngày tới.
Khi nới lỏng giãn cách, huyện Dầu Tiếng cho phép các hộ kinh doanh được mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt về chống dịch. Các cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về, thực hiện quy định 5K.
Tỉnh cũng thống nhất tạm dừng việc cấp Thẻ thông hành cho các đối tượng. Tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển, người đi đường bằng các Giấy lưu thông theo quy định tại các văn bản chỉ đạo trước đây.
Ngày 5/9, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 14.477 trường hợp, với số tiền là 21,285 tỷ đồng, trong đó:
- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cho 2.851 người với số tiền 11,22 tỷ đồng (hỗ trợ thêm cho 662 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi);
- Hỗ trợ tiền ăn cho 5.479 người là F0, F1 với số tiền 843,84 triệu đồng;
- Hỗ trợ cho 6.147 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 9,22 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay đã chi hỗ trợ cho 2.934.181 lượt trường hợp, với số tiền 1.528,743 tỷ đồng.
Đến nay Bình Dương ghi nhận 132.433 ca Covid-19, trong số này 79.102 trường hợp khỏi bệnh. Toàn tỉnh đã tiêm khoảng 1,2 triệu liều vaccine mũi 1 và hơn 46.000 vaccine mũi 2. Với việc tăng tốc phủ vaccine toàn dân, Bình Dương đặt mục tiêu khống chế dịch trước ngày 15/9 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bình Dương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Mục tiêu đặt ra là hơn 250.000 liều/ngày với nỗ lực đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9/2021.
Mua thuốc gì để phòng chống dịch Covid-19
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn Sở Y tế tỉnh, thành phố về việc mua thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19 thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc đàm phán giá.
Đảm bảo mua thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trong các trường hợp khác nhau
Để đảm bảo nhu cầu thuốc phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc đàm phán giá, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn lưu ý thực hiện các nội dung. Cụ thể:
- Trường hợp nhu cầu mua thuốc của cơ sở y tế do địa phương quản lý, cơ sở y tế do Bộ, ngành quản lý trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc vượt 20% số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung mua thuốc tập trung cấp quốc gia, phải báo cáo Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương.
- Trường hợp nhu cầu sử dụng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia của cơ sở y tế do địa phương quản lý, cơ sở y tế do Bộ, ngành quản lý trên địa bàn vượt quá khả năng điều tiết của đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương hoặc cơ sở y tế phát sinh nhu cầu sử dụng mặt hàng thuốc phải báo cáo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia.
- Trường hợp cơ sở y tế đã sử dụng hết số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung hoặc được thành lập sau khi hoàn thành việc tổng hợp nhu cầu mua thuốc và vượt quá khả năng điều tiết;
Nhà thầu trúng thầu không cung cấp được thuốc và có thông báo của đơn vị mua sắm tập trung về việc cơ sở y tế được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu, cơ sở y tế khẩn trương xây dựng nhu cầu và tổ chức mua sắm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Mua thuốc phòng chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu, không phụ thuộc vào hạn mức giá
Theo quy định tại Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ và quy định pháp luật về đấu thầu: Trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua thuốc phòng chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.
Trường hợp mua sắm trực tiếp tại Điều 24 Luật đấu thầu, được áp dụng kết quả đấu thầu rộng rãi, hạn chế của gói thầu mua sắm hàng hóa trong vòng 12 tháng của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị khác mà không nhất thiết phải căn cứ vào kết quả đấu thầu của đơn vị mình.
Mua thuốc phòng chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu mà không phụ thuộc vào hạn mức (giá) gói thầu.
Trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cấp có thẩm quyền, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn để chủ động rà soát, xác định nhu cầu, hình thức mua sắm phù hợp, khẩn trương thực hiện, không để thiếu thuốc ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận