24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Bá Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Covid-19 ở Việt Nam sáng 2/9: Tổng cộng ghi nhận hơn 473.000 ca nhiễm; hai ngày hơn 800 ca tử vong; đã tiêm hơn 20 triệu liều vaccine

Theo Bản tin Covid-19 của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Bản tin Covid-19 của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311 ca, trong đó có 245.948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên.

+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum, Vĩnh Phúc.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (226.622), Bình Dương (118.228), Đồng Nai (24.525), Long An (22.638), Tiền Giang (9.846).

- Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19:

+ Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.862

+ Tổng số ca được điều trị khỏi: 248.722

+ Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.334 ca

- Số bệnh nhân tử vong: Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày 31/8 là 440 ca tử vong và trong ngày 1/9 là 364 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (658), Bình Dương (78), Long An (14), Đồng Nai (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (9), Đà Nẵng (4), Khánh Hòa (4), Bình Phước (3), Hà Nội (2), Ninh Thuận (2), Thừa Thiên Huế (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

- Tình hình xét nghiệm: Trong 24 giờ qua đã thực hiện 511.058 xét nghiệm cho 1.005.850 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 14.385.183 mẫu cho 34.503.546 lượt người.

- Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19: Trong ngày 31/8 có 230.415 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.210.381 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.

Thực hiện nghiêm 5K, 5T ở nơi giãn cách xã hội

Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 09/CT-BYT về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thông điệp 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã) đối với các xã, phường tăng cường giãn cách xã hội.

1. Tuân thủ nghiêm 5K

Thực hiện nghiêm giãn cách, “ai ở đâu ở đó”. Cách ly người với người, nhà với nhà, xã với xã. Thực hiện nghiêm 5K khi phải ra khỏi nhà.

2. Thực phẩm đủ tại nhà

Cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, để người dân an tâm ở nhà. Đảm bảo an sinh xã hội tại nhà, đặc biệt quan tâm tới gia đình có người nhiễm, người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm dễ bị tổn thương...

3. Thầy, thuốc đến tận gia

Bảo đảm mọi người dân được chăm sóc y tế. Tổ chức trạm y tế lưu động tại các xã/phường để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế; tổ chức quản lý, chăm sóc người nhiễm tại các địa phương áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà. Cung cấp túi thuốc cho người bệnh. Sơ cấp cứu ban đầu và phát thuốc điều trị bệnh mãn tính cho nhân dân.

4. Test Covid tất cả

Thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ rất cao, hoặc nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) để sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp. Hướng dẫn người dân tự xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc đội ngũ tình nguyện.

5. Tiêm chủng tại phường/xã

Tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay ở xã, phường, tại trạm y tế hoặc điểm tiêm lưu động, bố trí nhiều điểm tiêm để người dân trong các nhóm đối tượng tiêm chủng được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất, gần nhà nhất có thể.

Hà Nội di dời khẩn cấp người dân ra khỏi "ổ dịch" Thanh Xuân Trung

Theo Dân trí, tối 1/9, TP Hà Nội tiến hành di dời bớt các hộ dân ra khỏi ổ dịch ở ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Thông tin được đại diện Quận ủy Thanh Xuân cho biết chiều 1/9 theo đó nói rằng, các hộ dân sẽ được di dời đến ở tại ký túc xá của Đại học FPT trên Hòa Lạc.

Quận Thanh Xuân đã ra quyết định thành lập 3 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ tổ chức đưa người dân đi cách ly và họp triển khai quán triệt phương án thực hiện. Đồng thời gửi thư ngỏ (thông báo, phiếu đăng ký, loa phát thanh, gửi zalo theo nhóm...) về việc thực hiện đưa người dân đi giãn cách đăng trên nhóm zalo và gửi trực tiếp cho người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Đồng thời, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân cũng đã triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận này, trong đó yêu cầu phải khẩn trương kiểm soát, dập dịch Covid-19 tại khu cách ly tạm thời khu vực ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi.

Theo thông báo của Thường trực Quận ủy Thanh Xuân, tính đến ngày 1/9, ổ dịch ở khu dân cư ngõ 328 và 330 Nguyễn 373 trường hợp F0 (trong đó 2 ca ngoài cộng đồng, 74 ca tại khu cách ly tập trung, 297 ca tại khu vực đã khoanh vùng cách ly). Tại khu vực dân cư ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung có 690 hộ và 1.304 nhân khẩu.

Đặc biệt, do khu vực trên có đặc thù là khu vực dân cư lâu năm, chung cư cũ ẩm thấp, môi trường không đảm bảo, diện tích chật hẹp, mật độ dân số đông, có khu vực còn sử dụng nhà vệ sinh chung. Bên cạnh đó, biến chủng Delta có tốc độ và tỉ lệ lây lan mạnh dẫn đến diễn biến dịch bệnh tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung rất nhanh và phức tạp.

Trong thời gian tới, quận này sẽ tiếp tục thực hiện công tác xét nghiệm diện rộng để phát hiện và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng phương án thành lập các trạm y tế lưu động tại các phường để hỗ trợ y tế, điều trị F0, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.

Với địa bàn toàn quận Thanh Xuân, thực hiện nghiêm công tác giãn cách xã hội, đảm bảo thực chất; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại, tiếp xúc của người dân nhằm nâng cao hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội; tăng cường hoạt động của các chốt trực, duy trì kiểm soát theo mô hình "3 lớp +", mô hình tổ dân phố tự quản bảo vệ "vùng xanh".

Trước đó, tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung vào chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chính quyền sở tại phải làm ngay 2 việc.

Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông để tránh lây nhiễm, bảo vệ các vùng xanh xung quanh. Hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0 theo tinh thần "mỗi xã phường là một pháo đài" như Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo.

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với lực lượng liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị quản lý shipper để theo dõi việc hoạt động, nhất là khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của shipper đến người dân.

Các shipper cũng có thể chủ động kiểm tra thông tin được phép hoạt động hay không qua đường link trên cổng thông tin của Sở Công thương. Các shipper được phép lưu thông cần làm xét nghiệm nhanh theo quy định và được cấp giấy chứng nhận khi có kết quả âm tính dùng để di chuyển qua các chốt trạm.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông hoặc làm giấy đi đường giả để lưu thông trên đường.

Đối với các trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản xử lý theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời thu hồi giấy đi đường.

Đối với các đối tượng làm hoặc sử dụng giấy đi đường giả thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập hồ sơ bàn giao cho Cơ quan CSĐT để điều tra xử lý theo quy định.

TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân để nhanh chóng bao phủ miễn dịch trong cộng đồng. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm tầm soát người mắc Covid-19 để mở rộng vùng xanh.

Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vaccine", “ai ở đâu thì ở đó” và tiêm vaccine ngay khi đến lượt để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nhất là tuân thủ quy định cách ly tại nhà, dùng thuốc đúng cách khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả