menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Chín

Covid-19 ở Việt Nam sáng 17/8: 1 triệu người có 2.886 ca mắc; F0 trong cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh tăng; không mở rộng thử nghiệm vaccine Nanocovax

Kể từ đầu dịch, Việt Nam có 283.696 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca bệnh.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

- 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/8.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 106.977 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 590 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 22 ca.

Ngày 16/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 368 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (315), Bình Dương (29), Long An (8), Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó 08 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh thành, trong đó có 2.422 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96.

Chủ tịch TPHCM: Tỷ lệ F0 phát hiện trong cộng đồng có dấu hiệu tăng lên

Chiều 16/8, Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từng địa phương phải tận dụng từng giờ, từng ngày. Trong một tháng tới, toàn thành phố phải tận dụng, tranh thủ thời gian để triển khai các biện pháp quyết liệt.

Tại buổi làm việc, người đứng đầu chính quyền thành phố dẫn con số, những ngày gần đây, tỷ lệ F0 được phát hiện trong cộng đồng có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể, trong ngày 16/8, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng chiếm 53%, số ca được phát hiện trong khu phong tỏa chỉ là 41%.

Thời gian trước đây, số bệnh nhân được phát hiện trong khu phong tỏa chiếm tới 80%. Để hạn chế số ca mắc mới trong cộng đồng, độ phủ vaccine Covid-19 đóng vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu: "Các địa phương cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19. Về nguồn cung vaccine Covid-19, Thành phố đã báo cáo Trung ương để có sớm nhất có thể".

Đối với công tác an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các phường nắm đầy đủ danh sách, không để bỏ sót người có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo thành phố đánh giá, vừa qua, một số địa phương đã chủ động vận động chủ phòng trọ giảm tiền thuê nhà cho công nhân, người lưu trú. Đây là điều đáng hoan nghênh, các địa bàn cần thống kê đủ, không bỏ qua người nào ở trọ, gặp hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ tiền nhà, các địa phương cần lưu ý tới việc cung cấp lương thực, thực phẩm, và vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng này.

Hà Nội lập 6 tổ liên ngành xử phạt nhiều người ra đường không giấy tờ

Chiều 16/8, Công an TP. Hà Nội tổ chức triển khai 6 tổ liên ngành đặc biệt gồm nhiều lực lượng để kiểm soát chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 17/8: 1 triệu người có 2.886 ca mắc; F0 trong cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh tăng; không mở rộng thử nghiệm vaccine Nanocovax

6 tổ liên ngành đặc biệt của Công an TP Hà Nội là các tổ 141 bao gồm 3 cảnh sát cơ động, 4 cảnh sát giao thông, 2 cảnh sát hình sự, một cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và 5 cán bộ Phòng cảnh sát trật tự (PC06) của Công an TP Hà Nội.

Từ 15h chiều ngày 16/8, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt các chốt liên ngành đặc biệt của Công an TP. Hà Nội được lập trên các trục đường chính của Thủ đô. Nhiệm vụ của các chốt này là kiểm soát người dân ra đường không có lý do tại 12 quận, huyện trung tâm TP. Hà Nội.

Các tổ công tác này hoạt động một cách linh hoạt, kết hợp tuần tra lưu động tại các điểm nóng giao thông của Hà Nội. Người dân ra đường không có giấy tờ, không có lí do chính đáng đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều trường hợp không có giấy tờ đúng quy định, giải thích quanh co đều bị xử lý.

6 tổ liên ngành đặc biệt của Công an TP Hà Nội là các tổ 141 bao gồm 3 cảnh sát cơ động, 4 cảnh sát giao thông, 2 cảnh sát hình sự, một cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và 5 cán bộ Phòng cảnh sát trật tự (PC06) của Công an TP Hà Nội.

Ngoài việc xử phạt người đi đường không có giấy tờ, các chốt liên ngành cũng phối hợp thực hiện kiểm tra các lỗi tham gia giao thông mà người đi đường mắc phải.

Không mở rộng thử nghiệm vaccine Nanocovax

Hồi đáp đề xuất tiêm thí điểm vaccine Nanocovax của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bộ Y tế cho biết "chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu trong giai đoạn ba".

Covid-19 ở Việt Nam sáng 17/8: 1 triệu người có 2.886 ca mắc; F0 trong cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh tăng; không mở rộng thử nghiệm vaccine Nanocovax

Trong công văn hồi đáp hôm 14/8, Bộ Y tế "ủng hộ mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax về mặt chủ trương".

Các tiêu chí mở rộng là đảm bảo an toàn, khoa học, khả thi; tuân thủ đạo đức nghiên cứu; hồ sơ nghiên cứu phải được nhóm nghiên cứu xây dựng; Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định và chấp thuận, sau đó trình Bộ Y tế phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, phản hồi của các đơn vị thử nghiệm lâm sàng Nanocovax là tiếp tục triển khai theo đề cương nghiên cứu được phê duyệt, không mở rộng thêm địa điểm triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba để đảm bảo tiến độ báo cáo giữa kỳ và hoàn tất nghiên cứu so với kế hoạch được duyệt.

Công ty Nanogen cũng đồng ý không mở rộng thử nghiệm do tình hình dịch bệnh phức tạp gây khó khăn trong triển khai trên diện rộng.

"Trên cơ sở ý kiến từ Công ty Nanogen và các đơn vị nghiên cứu vaccine, Bộ Y tế tạm thời chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với vaccine Nanocovax trong giai đoạn hiện nay", công văn phúc đáp.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh "cấm sử dụng vaccine đang trong quá trình thử nghiệm cho mục đích thí điểm hoặc thương mại".

Trước đó, ngày 2 và 3/8, hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Dương gửi văn bản đến Bộ Y tế, đề xuất tiêm thí điểm vaccine Nanocovax trong thời gian sớm nhất. Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ 17/12/2020. Hai đơn vị phối hợp nghiên cứu vaccine gồm Học viện Quân y và Viện Pasteur TP HCM.

Hiện vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trên 13.000 người, chia làm hai giai đoạn nhỏ gồm 3a thử nghiệm trên 1.000 người, 3b thử nghiệm trên 12.000 người, sử dụng giả dược để đối chứng.

Kết quả đánh giá giai đoạn 3a và giai đoạn một, hai là cơ sở để các chuyên gia xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với Nanocovax, theo Bộ Y tế ngày 22/7.

Cuộc họp thẩm định giai đoạn 3a dự kiến diễn ra ngày 15/8, đã bị hoãn. Theo đại diện Bộ Y tế, nguyên nhân là các đơn vị nghiên cứu gồm Học viện Quân y, Viện Pasteur TP HCM và Nanogen vừa trình kết quả nghiên cứu giai đoạn 3a cho Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia.

Các chuyên gia dự kiến tổ chức họp thẩm định trong tuần này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại