menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Covid-19 ở Myanmar: Cuối tháng 8 đạt đỉnh dịch, ánh sáng nào ở cuối đường hầm?

Theo Tiến sĩ, nhà dịch tễ học Tin Tin Htar Myint, Covid-19 ở Myanmar sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9 tới.

Trong khi Myanmar đang trải qua những bất ổn lớn về cả chính trị và kinh tế kể từ cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 năm nay, làn sóng Covid-19 nguy hiểm lần thứ ba đang khuấy đảo nước này, với cả 4 loại biến thể của virus SARS-Cov-2.

Hàng nghìn người đã chết do những hậu quả từ cuộc chính biến cũng như các phương pháp kiểm soát dịch bệnh không được thực hiện kịp thời. Hiện Myanmar vẫn chưa thể kiểm soát được làn sóng dịch bệnh mới nhất này.

Báo Irrawaddy của Myanmar đã phỏng vấn Tiến sĩ Tin Tin Htar Myint, một nhà dịch tễ học làm việc cho tập đoàn dược phẩm và công nghệ Pfizer của Mỹ, về cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay ở Myanmar.

Sau đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn này.

Phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất

Tất cả bốn biến thể coronavirus đều đã được tìm thấy ở Myanmar. Hậu quả của việc này như thế nào, thưa bà?

Các ca nhiễm Covid-19 ở Myanmar đang gia tăng đáng kể. Các ca nhiễm ở các nước xung quanh Myanmar như Ấn Độ, Bangladesh và Thái Lan, cũng đang gia tăng.

Nếu nhìn lại tình hình ở Myanmar, hồi tháng 4 vừa rồi, không có báo cáo về trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Có lẽ đã không có ca nhiễm thật, nhưng cũng có thể là do đã không hề có cuộc xét nghiệm Covid-19 nào.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có xét nghiệm, chúng tôi vẫn biết là có các ca nhiễm bệnh.

Số ca bắt đầu gia tăng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, vẫn tiếp tục tăng và sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 8. Sau đó, số ca nhiễm có thể giảm dần. Do đó, mọi người phải rất cẩn thận vào khoảng thời điểm từ cuối tháng 8 đến giữa tháng Chín.

Một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư. Bà có nghĩ rằng ở Myanmar làn sóng thứ ba sẽ trùng với làn sóng thứ tư?

Sẽ có nhiều làn sóng dịch bệnh xảy ra và chúng ta sẽ không biết được chúng sẽ kéo dài trong bao lâu.

Bangladesh đã trải qua hai đợt dịch liên tục, đợt thứ nhất không nghiêm trọng, nhưng đợt thứ hai rất lớn. Còn Ấn Độ đã phải hứng chịu một đợt bùng phát dịch rất mạnh và hiện các ca bệnh đang giảm đáng kể.

Vấn đề với đại dịch là chúng ta không thể dự đoán khi nào các đợt sóng mới sẽ đến hoặc biến thể nào sẽ đột nhiên trở nên nguy hiểm chết người. Có rất nhiều biến thể và chúng ta chỉ có thể chờ xem biến thể gây bệnh nghiêm trọng nhất. Tôi cũng không thể nói làn sóng thứ ba có trùng lặp với làn sóng thứ tư ở Myanmar hay không. Nhưng làn sóng thứ ba hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài.

Hàng trăm, có thể là hàng nghìn người hằng ngày đang chết vì Covid-19 ở Yangon. Bà có cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn?

Các ca nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục tăng. Nhưng các ca tử vong thì có thể tăng, cũng có thể không, ngay cả khi các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Điều này phụ thuộc vào hiệu quả điều trị. Các bệnh viện đã đầy bệnh nhân và vẫn đang thiếu oxy.

Điều tồi tệ hơn nữa là rất khó để mua thuốc, ngay cả chỉ với thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất.

Luôn có ánh sáng cuối đường hầm

Mọi người nên làm gì khi họ không được điều trị thích hợp?

Kể từ khi có những đợt bùng phát dịch đầu tiên, các chuyên gia y tế đã kêu gọi “kéo thẳng đường cong” - có nghĩa là làm chậm sự lây lan của dịch bệnh để giảm số người cần chăm sóc tại một thời điểm để các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể đối phó. Nếu các ca bệnh tăng nhanh, các bệnh viện sẽ trở nên quá tải và sẽ không có đủ thuốc men và ôxy.

“Kéo thẳng đường cong” sẽ khiến việc xử lý khủng hoảng dễ dàng hơn. Thời gian bùng phát dịch bệnh có thể kéo dài hơn nhưng số lượng bệnh nhân sẽ ổn định và các bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp, và sẽ có đủ thuốc để điều trị, qua đó, số ca tử vong có thể được giảm bớt.

Những gì mọi người có thể làm là tránh để bản thân bị nhiễm virus. Người cao tuổi, những người có các bệnh lý nền như béo phì, các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường vẫn là những người có nguy cơ đặc biệt cao. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận trên Facebook và truyền hình về cách tránh lây nhiễm virus bằng việc giữ khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang. Mọi người nên làm theo lời khuyên này.

Bà có thể dự đoán khi nào đại dịch sẽ kết thúc?

Ban đầu người ta cho rằng sẽ có miễn dịch cộng đồng khi 70 hoặc 80% dân số được tiêm chủng. Nhưng có vẻ như điều này không hẳn chính xác. Ở Pháp, ít nhất 50% dân số đã được tiêm chủng. Ở Đức và Israel cũng vậy. Nhưng số ca nhiễm vẫn đang được ghi nhận và ngày càng nhiều thêm.

Vì vậy, rất khó đoán khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Thông thường, một làn sóng dịch sẽ kéo dài từ ba đến bốn tháng. Từ các trường hợp của nhiều quốc gia khác, chúng tôi hy vọng số các ca nhiễm ở Myanmar sẽ giảm sau ba hoặc bốn tháng. Nhưng không ai có câu trả lời chắc chắn cho điều đó.

Myanmar đang ở thời kỳ không may mắn. Nhưng sẽ luôn có ánh sáng cuối đường hầm. Đại dịch sẽ không kéo dài mãi mãi mà sẽ giảm dần theo thời gian. Bởi vậy mọi người phải mạnh mẽ lên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả