Covid-19: Mỹ thúc đẩy bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, Việt Nam trước cơ hội sản xuất vaccine quy mô lớn
Đại diện Thương mại Mỹ coi các cuộc thảo luận tại WTO là cách thức phù hợp để loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ về vaccine ngừa bệnh Covid-19.
Phát biểu tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Katherine Tai nhấn mạnh, các quốc gia và các nhà sản xuất thuốc có "nghĩa vụ giúp cứu thế giới ngay bây giờ".
Quan chức thương mại này khẳng định, chủ đề chính trong các đàm phán tới đây tại WTO là thúc đẩy các giải pháp nhanh chóng chấm dứt đại dịch, để người dân trên thế giới có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường, thay vì đề cập nhiều tới khía cạnh ngăn chặn các nước "đánh cắp" công nghệ của Mỹ.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, chấm dứt đại dịch Covid-19 là điều cần thiết đầu tiên để thúc đẩy mọi chính sách thương mại sau này.
Trước đó, ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 và sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán tại WTO về việc dỡ bỏ các rào cản.
Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Pretoria và New Delhi.
Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng Covid-19 vì cho rằng, còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.
Đức phản đối yêu cầu các hãng dược từ bỏ quyền bảo hộ với các loại vaccine phòng Covid-19, cho rằng đây không phải là giải pháp giúp tăng sản lượng vaccine.
Trong diễn biến khác liên quan Việt Nam, cùng ngày, Đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cho hay: "Một nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 trên cơ sở mRNA".
Ông Park cho hay, đề xuất này đang được WHO xem xét, đồng thời nhấn mạnh, tổ chức này hy vọng Việt Nam cũng sẽ đăng ký "sản xuất quy mô lớn" vaccine ngừa Covid-19 dựa trên mRNA.
Tuy nhiên, ông không nêu đích danh nhà sản xuất vaccine đã bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch này.
Vaccine sử dụng công nghệ mRNA, giống vaccine do các hãng BionTech và Pfizer phối hợp điều chế, giúp cơ thể người sản sinh một loại protein vốn là một phần của virus (SARS-CoV-2 gây Covid-19), theo đó kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận