Covid-19 lan nhanh tại Việt Nam, hàng loạt cửa hàng trả mặt bằng, ráo riết tìm người thuê
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống; thời trang; dịch vụ khách sạn… ở phố Cổ Hà Nội rơi vào tình trạng kinh doanh giảm sút, dẫn tới buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn mô hình hoạt động. Chỉ sau 4 tháng, phân khúc nhà phố cho thuê gần như “tê liệt” với những tấm biển ráo riết sang nhượng cửa hàng.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh lĩnh vực bán lẻ có nhiều biến động do tác động của Covid-19. Cách đây khoảng 3 tuần, tiểu thương vừa có cơ hội vui mừng vì tình hình buôn bán có nhiều chuyển biến tích cực thì đến thời điểm hiện tại, thêm 1 lần nữa nhiều hộ kinh doanh lại rơi vào cảnh cửa hàng không bóng khách.
Từ thực tế kinh doanh giảm sút của hoạt động bán lẻ, lĩnh vực bất động sản đặc biệt là phân khúc nhà phố cho thuê cũng chịu nhiều ảnh hưởng không mong muốn. Điển hình là việc trả mặt bằng hàng loạt tại các khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các vị trí được đánh giá là khu đất “kim cương” của Hà Nội như: Phố Cầu Gỗ; Hàng Thùng; Hàng Da; Hàng Ngang, Hàng Buồm… thuộc quận Hoàn Kiếm đều xuất hiện liên tiếp các cửa hàng cửa đóng, then cài hoặc treo biển thông báo với dòng chữ: “Cho thuê mặt bằng”; “Sang nhượng mặt bằng, thanh lý toàn bộ cửa hàng.”
Trước đây, để thuê được mặt bằng khu vực này, chủ cơ sở kinh doanh không chỉ chấp nhận chi trả số tiền lớn hàng tháng (khoảng 2 triệu đồng/m2) mà còn phải tìm đủ cách để thuyết phục chủ nhà cho thuê vào thời điểm cung nhỏ hơn cầu. Nhưng chỉ sau 4 tháng chịu tác động của Covid-19, thực tế gần như đảo ngược.
Các cửa hàng trả mặt bằng gồm các lĩnh vực kinh doanh thời trang, chuỗi cửa hàng ăn uống và nặng nề nhất là dịch vụ khách sạn. Hiện nay, tỷ lệ bỏ trống chiếm khoảng 30 – 40 % bất động sản cho thuê tại khu vực phố Cổ đặc biệt là mặt bằng nội khu.
Chị Lê Huyền, một người kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí ở phố Tạ Hiện cho biết: “Cửa hàng tôi không thuộc diện phải tạm thời đóng cửa, tuy nhiên từ sau khi dịch covid-19 bùng phát trở lại, tình hình kinh doanh của quán giảm sút trông thấy. Người dân đã hạn chế ra đường nên việc ăn nhậu không còn là nhu cầu cần thiết ở thời điểm hiện tại”.
Cũng theo người chủ cửa hàng này chia sẻ, mỗi tháng chị phải trả 20 triệu đồng tiền thuê nhà rộng khoảng 10m2 ở phố Tạ Hiện. Với tình hình như hiện nay, chị phải tìm mọi cách để xoay xở tiền nhà hàng tháng thậm chí nếu kéo dài có thể phải đóng cửa chuyển hướng kinh doanh mới hoặc chuyển cửa hàng về khu vực khác.
Thực tế trên cho thấy, việc giảm giá cho thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết gỡ rối những khó khăn hiện tại, không chỉ cho khách thuê mặt bằng khu vực phố Cổ mà còn trên phương diện toàn thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó với chủ nhà và người kinh doanh bất động sản. Mức giảm, hình thức giảm, thời hạn giảm… vẫn là điều mà nhiều ông chủ còn khá dè dặt và phải cân nhắc kỹ.
Trước diễn biến dịch covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp, phía chủ nhà có thể lựa chọn việc chủ động giảm giá cho khách thuê, tìm khách lấp chỗ trống thông qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Về phía khách thuê, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để đầu tư cũng là một hướng đi quan trọng trong thời điểm này, các phân khúc liên quan đến lợi ích sinh hoạt, nhu yếu phẩm, y tế sức khỏe, điện tử vẫn còn nhiều mảnh đất màu mỡ để mở rộng và phát triển trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận