menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Covid-19 là mối đe dọa hiện hữu, virus kháng kháng sinh là mối đe dọa tiềm ẩn

Không 'nổi tiếng' như Covid-19, nhưng tình trạng kháng kháng sinh đang âm thầm trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm nổi lên nhu cầu cấp thiết, quan trọng trong việc phát triển nhanh chóng vaccine và thuốc kháng virus để giảm số lượng bệnh nhân nhập viện hay bị tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn đằng sau đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay là thực trạng kháng kháng sinh (ARM) - vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Tình trạng này tính toàn cầu, là mối đe dọa đối với hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới và được dự báo sẽ làm phức tạp hơn việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Mối đe dọa tiềm ẩn

Liên hợp quốc cảnh báo, số lượng người thiệt mạng do kháng thuốc có thể sẽ cao hơn số người tử vong do bệnh ung thư. Vì vậy, Liên hợp quốc gọi tình trạng kháng thuốc là “một vấn đề khẩn cấp về y tế toàn cầu” và cần phải được ưu tiên giải quyết như phòng chống dịch Ebola hay HIV.

Mặc dù tình trạng kháng kháng sinh không thu hút sự quan tâm giống như SARS-CoV-2, nhưng vi khuẩn kháng kháng sinh cũng nguy hiểm không kém, đe dọa sức khỏe và cuộc sống của người dân trên toàn thế giới và sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia.

Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Liên hợp quốc, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh. Cảnh báo này được đưa ra trong ngày phát động Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) ở châu Á và Thái Bình Dương năm 2018.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh do vi khuẩn kháng kháng sinh là những người dễ bị bệnh do nhiễm trùng phổi như cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Covid-19. Ví dụ, đại dịch cúm H1N1 2009 đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người trên khắp thế giới, trong đó, 29% - 55% người tử vong do vi khuẩn thứ cấp, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy, phần lớn các trường hợp tử vong do cúm Tây Ban Nha năm 1918 là do viêm phổi do vi khuẩn thứ cấp. Đại dịch này đã đã giết chết 50 triệu người trên toàn thế giới.

Chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có 2,8 triệu ca nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh và hơn 35.000 ca tử vong, mặc dù các chuyên gia lo ngại rằng, con số thực sự cao hơn nhiều.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống bệnh tật châu Âu (ECDC), hằng năm ở châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc. Các vi khuẩn kháng thuốc như MRSA, vi khuẩn tiết ESBL… tăng rõ rệt hàng năm.

Theo WHO, trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những các quốc gia đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, bằng chứng cho thấy, 88 – 97% các cửa hàng bán thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ, mặc dù điều này đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam.

Hiện, trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Trong khi đó, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới lại không theo kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Cụ thể, trong hơn 5 năm (từ 1983 đến 1987), chỉ có 18 loại kháng sinh được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng và từ năm 2008 đến nay không có thêm loại kháng sinh mới nào được tìm ra.

Covid-19 là mối đe dọa hiện hữu, virus kháng kháng sinh là mối đe dọa tiềm ẩn
Không chỉ có ở người, tình trạng kháng kháng sinh cũng xuất hiện ở động vật trang trại. Trong ảnh: Bản đồ báo động tình trạng kháng kháng sinh trên động vật ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Thêm nguy cơ trong đại dịch Covid-19

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, siêu vi khuẩn gây ra mối đe dọa lớn hơn theo cấp số nhân. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Lancet, trong số 41 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập viện, 10% bị nhiễm trùng thứ phát.

Một nghiên cứu khác cũng trên tạp chí nổi tiếng này, trong 99 bệnh nhân mắc Covid-19 bị nhiễm trùng thứ phát, đã xác định được 5 loại vi khuẩn trong đó có một loại có khả năng kháng kháng sinh. Đặc biệt, những vi khuẩn này có thể gây sốc nhiễm trùng, dẫn đến tổn thương đa tạng nghiêm trọng và một số trường hợp đã tử vong.

Số lượng kháng sinh được sử dụng để điều trị đang tăng lên nhanh chóng. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra, gần như tất cả các ca nhiễm Covid-19 nghiêm trọng đều được điều trị kết hợp với kháng sinh.

Các bác sĩ ở Mỹ và châu Âu cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ ghi nhận nhiều bệnh nhân chết do nhiễm trùng thứ cấp thay vì SARS-CoV-2. Có một số nghiên cứu phát hiện ra rằng, 1 trong 7 bệnh nhân nhập viện do Covid-19 đã bị nhiễm khuẩn thứ cấp và 50% bệnh nhân đã chết bị nhiễm trùng. Điều đặc biệt nguy hiểm là nhiễm trùng thứ cấp do các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Thách thức của tình trạng kháng kháng sinh trở thành gánh nặng khổng lồ lên hệ thống y tế, làm tăng thêm bệnh tật và nguy cơ tử vong khi số người mắc bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2 tăng nhanh và kéo dài thời gian điều trị.

Cách nào để đối phó với tình trạng kháng kháng sinh?

Theo các chuyên gia, sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hoá thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, 30 năm hoặc lâu hơn. Nhưng chính việc sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.

Để giải quyết thách thức kháng kháng sinh, đòi hỏi các giải pháp đó là : (i) Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường. Khi bị đau, ho..., người dân không nên lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh.

(ii) Để sử dụng kháng sinh hợp lý, bệnh nhân phải được xét nghiệm tìm ra vi khuẩn gây bệnh, làm kháng sinh đồ và lựa chọn khánh sinh thích hợp, hoặc việc sử dụng kháng sinh phải tuân thủ theo các hướng dẫn đúng quy định chuyên môn trong nước và quốc tế.

(iii) Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tránh lây nhiễm chéo như đảm bảo phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, vệ sinh tay, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, làm sạch và khử khuẩn môi trường bệnh viện…

(iv) Việc phát triển các loại kháng sinh mới là vấn đề quan trọng, tuy nhiên, đây là công việc đầy thách thức và tốn kém, trung bình các nhà sản xuất có thể phải mất thời gian từ 10 - 15 năm và chi phí lên tới 2,6 tỷ USD để tạo ra chỉ một loại thuốc mới.

Như vậy, sử dụng kháng sinh hợp lý và kiếm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là vô cùng quan trọng để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, góp phần giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh. Mọi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn chuyên môn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại