Covid-19 hạ nhiệt, châu Âu từ từ nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội
Do tình hình dịch Covid-19 tại một số nơi có phần ổn định, nhiều quốc gia châu Âu đã nghĩ đến việc gỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa.
Một số quốc gia châu Âu như Đan Mạch chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 hạ nhiệt. (Nguồn: Global News)
Theo CNN, một số quốc gia châu Âu không phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 đang nghĩ tới việc nới lỏng các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngay trong tuần tới.
Kể từ ngày 7/3, người dân ở Cộng hòa Czech đã có thể đi mua sắm tại các cửa hàng bán vật dụng và xe đạp, chơi tennis và đi bơi nhưng vẫn phải tuân thủ quy định người dân phải cách xa nhau tối thiểu 2m. Czech cũng là quốc gia đi ngược lại xu thế chung của châu Âu khi bắt toàn bộ 10,7 triệu dân phải đeo khẩu trang hoặc che mặt khi ra đường. Theo thông cáo của chính phủ, kể từ ngày 14/4, người dân Czech sẽ được ra nước ngoài trong trường hợp thiết yếu.
Áo có kế hoạch mở cửa các cửa hàng nhỏ sau lễ Phục sinh (12/4). Từ ngày 1/5, Áo sẽ mở cửa lại các khu mua sắm và tiệm làm tóc, còn nhà hàng và khách sạn sẽ mở cửa trở lại vào giữa tháng 5. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, mọi thứ sẽ được thực hiện "trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt".
Theo Thủ tướng Mette Frederiksen, Đan Mạch sẽ mở cửa lại các trường học từ ngày 15/4 nếu tình hình dịch bệnh "hạ nhiệt" nhưng vẫn sẽ cấm tổ chức các lễ hội và các buổi tụ họp lớn tới tháng 8 và tiếp tục đóng cửa biên giới.
Còn tại Na Uy, Thủ tướng Erna Solberg thông báo sẽ mở cửa các trường mẫu giáo từ 20/4 và tuần sau đó, trẻ em từ lớp 1 đến lớp 4 sẽ được đi học bình thường. Chính phủ tin rằng các số liệu mới nhất cho thấy Na Uy có thể thực hiện từ từ thực hiện các biện pháp nới lỏng lệnh phong tỏa với "sự lạc quan nhưng thận trọng".
Những quốc gia khác thì tạm thời chưa đưa ra quyết định gì, nhằm học hỏi kinh nghiệm của những người tiên phong bởi họ cũng đang tìm đường thoát khỏi việc ở nhà quá lâu, trong bối cảnh áp lực kinh tế và xã hội đang dần gia tăng.
Phương án khả thi
Tiến sĩ Peter Drobac, một chuyên gia y tế toàn cầu tại Trường Kinh doanh Saïd, thuộc Đại học Oxford nói với CNN rằng: “Những quốc gia hiện đang giảm bớt lệnh hạn chế đi lại là những ví dụ quan trọng và đầy hy vọng đối với phương Tây. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải học về cách làm thế nào để có thể thoát khỏi tình trạng phong tỏa một cách an toàn và hiệu quả”.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, các quốc gia nói trên không phải là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19 tại châu Âu, khi số lượng các ca tử vong chỉ đạt tới hàng trăm chứ chưa phải hàng nghìn. Đây cũng là những quốc gia đầu tiên tại khu vực có những chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội quyết đoán, chủ động và đã qua đỉnh dịch từ lâu.
“Quyết định nới lỏng các hạn chế xã hội cho đến thời điểm này là khá hợp lý và thông minh. Tuy nhiên, đây là quá trình từ từ. Họ sẽ phải học hỏi và theo dõi các ca nhiễm bệnh mới. Nhưng nếu các quốc gia này làm quá lỏng tay và các ca nhiễm mới lại tăng đột biến, họ sẽ lại phải thắt chặt các lệnh phong tỏa. Đó là cách mà mọi quốc gia nên làm.” - ông Drobac cho biết.
Cư dân tại một viện dưỡng lão ở Oslo, Na Uy ra đường vui chơi. (Nguồn: AFP)
Cũng theo CNN, các quốc gia khác muốn đi theo con đường của những quốc gia châu Âu nói trên cần phải đáp ứng 3 tiêu chí chung, đặc biệt để nhằm tránh một “làn sóng” lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
Đầu tiên, các quốc gia cần phải thấy được sự thuyên giảm đáng kể về số lượng các ca nhiễm mới. Thứ hai, hệ thống y tế cần phải có đủ khả năng đối phó với dịch bệnh mà không rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thứ ba, họ cần một hệ thống xét nghiệm hàng loạt để người bệnh có thể được cách ly sớm trước khi họ lây nhiễm cho người khác.
Nhưng cũng cần cảnh giác
Việc những quốc gia châu Âu nói trên muốn mở cửa lại cũng là điều có lý. Thế nhưng, việc đánh đổi sức khỏe cộng đồng nhằm cứu lấy nền kinh tế sẽ đem lại nhiều cạm bẫy trước mắt.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu lại cho rằng, việc nới lỏng các hạn chế đi lại trong thời điểm này vẫn đem lại nhiều rủi ro, nhất là khi 7/10 nước châu Âu đều nằm trong top 10 quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới.
“Đây là thời gian để nhân đôi và nhân ba nỗ lực tập thể của toàn thế giới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Bất cứ sự thay đổi nào trong chiến lược phản ứng chung, như nới lỏng các biện pháp phong tỏa đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng.”- ông Kluge cho biết.
Ngoài ra, tạp chí y học The Lancet đề xuất rằng không nên dỡ bỏ phong tỏa trên mức độ toàn cầu cho đến khi nào có được vaccine hoặc thuốc điều trị virus SARS-CoV-2, khi mà nhiều chuyên gia y tế nhận định, đợt bùng phát virus corona thứ 2 có thể sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc cách ly xã hội và kinh tế quá lâu sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực khó lường. Do đó, cần đạt được sự cân đối cần thiết giữa cách ly chống dịch và khôi phục kinh tế.
Bài toán với các quốc gia châu Âu là sớm mở cửa nền kinh tế nhưng phải đảm bảo hạn chế nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Nhiều khả năng các nước sẽ duy trì các biện pháp giãn cách xã hội trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch mở cửa chi tiết sẽ giúp các nền kinh tế hồi phục nhanh chóng sau khi dần gỡ bỏ cách ly. Chỉ một bước đi sai lầm cũng có thể khiến dịch tái bùng phát và vòng luẩn quẩn cách ly - suy giảm kinh tế tiếp diễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận