COVID-19 giai đoạn 2: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn khỏi nơi cách ly
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết khai báo y tế là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để đảm bảo an toàn cộng đồng nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Binh chủng Hóa học phun hóa chất khử trùng toàn bộ khu vực bao gồm phố Trúc Bạch, Ngũ Xã và Châu Long (Hà Nội).
Theo Luật sư Đặng Văn Cường pháp luật quy định về các trường hợp phải khai báo y tế, xử lý tế và cách ly y tế, đồng thời quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan trong việc phòng dịch.
Nếu người có nghĩa vụ phải khai báo y tế, xử lý tế mà không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính. Còn đối với cơ quan có thẩm quyền nếu không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ dẫn đến việc bỏ lọt những người cần phải cách ly thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo đó, phạt từ 200.000 – 1.000.000 đồng nếu không khai báo, che dấu dịch Covid-19. Tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm bị xử lý như sau:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với hành vi trốn khỏi nơi cách ly, theo uật sư Cường, hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Cường cho biết, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, đồng thời bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Ngoài ra, cũng theo ông Cường tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người mà kết quả là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 02 người trở lên thì mức phạt là 10 - 12 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Theo thống kê của Bộ Y tế đến chiều tối 11/3, tổng số bệnh nhân nhiễmCOVID-19 tại Việt Nam lên 39 ca, trong đó có 16 ca đầu tiên đã được chữa khỏi và xuất viện.Trong số 23 ca còn lại, có 12 ca liên quan đến bệnh nhân thứ 17 N.H.N., người đã đi du lịch Anh - Pháp - Ý về Việt Nam trên chuyến bay VN0054.
Các địa phương có người mắc COVID-19 tính đến thời điểm này (11/3) là: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (4); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (5); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (4); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (1), Quảng Nam (2), Bình Thuận (4).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận