Covid-19: Động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Covid-19 đang khiến một số ngành kinh doanh rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng đây cũng chính là thời cơ và động lực để các doanh nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số.
"Lợi ích của chuyển đổi số đem lại là không thể phủ nhận, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng khoảng thời gian này để có thể tiếp cận nền kinh tế số, đưa nền kinh tế của nước ta gần hơn với nền kinh tế số thế giới," PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, trả lời phỏng vấn thoibaonganhang.vn.
Thưa ông, trước những khó khăn mà dịch bệnh gây ra, chuyển đổi số có phải là một trong những giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp?
Chuyển đổi số là một vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, và nhất là khi dịch bùng phát thì nó càng được nhắc đến nhiều hơn.
Có thể nhận thấy, nền kinh tế của Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số nhưng hơi chậm so với thế giới và so với khả năng mà nền kinh tế của chúng ta có thể thích ứng. Nhân dịp này, mong rằng các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số mạnh hơn và quan tâm hơn đến vấn đề này.
Việc tiếp xúc giữa người sản xuất kinh doanh, người buôn bán hàng hóa cần được hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh và việc giảm thiểu tiếp xúc đang được ưu tiên, việc sử dụng kinh tế số như một nhu cầu tự thân, và chúng ta nên thúc đẩy chuyển đổi số trong giao thương nói chung và trong nền kinh tế.
Thực tế, việc cách ly là yêu cầu bắt buộc nhưng nó cản trở sự hoạt động bình thường của xã hội. Hoạt động buôn bán, sản xuất vẫn phải có nên nó thành động lực khiến các doanh nghiệp phải tích cực chuyển đổi số. Và không có lí do gì để chúng ta chần chừ khi đã có nền tảng kĩ thuật số tốt, số lượng người dùng internet cao.
Việc nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thức thời, sử dụng nền tảng công nghệ số để kinh doanh tốt trong mùa dịch là minh chứng sự cần thiết của chuyển đổi số. Khoảng thời gian ngừng nghỉ này chính là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số, đổi mới mạnh mẽ hơn, giúp nền kinh tế của chúng ta gần hơn với nền kinh tế số của thế giới.
Theo ông, chuyển đổi số đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay?
Thứ nhất, việc chuyển đổi số làm cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian làm việc giữa các bộ phận của doanh nghiệp với nhau.
Rõ ràng, trước đây nếu cần có ý kiến chỉ đạo, nắm bắt tình hình kinh doanh thì cần có thời gian, nhưng nếu chuyển đổi số rồi, các bộ phận có thể đẩy kết quả sản xuất, kinh doanh lên mạng và người quản trị cấp cao sẽ nắm được nhanh nhất từng giờ từng phút, từ đó chi phí và thời gian cũng giảm. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đi, hiệu quả lại cao lên.
Thứ hai, quá trình giao tiếp bạn hàng, kho bãi, vận chuyển, ta có thể giao tiếp rộng rãi, đầy đủ nhất và hoàn toàn có thể lưu lại trên hệ thống. Từ đó, các đối tác hiểu được nhau, nắm được yêu cầu của công việc nhanh nhất, hoạt động tin tưởng nhau hơn.
Thứ ba, việc quảng bá trên mạng có chi phí rất thấp nhưng đến được rất nhiều người, đặc biệt là tạo mối liên kết giữa người bán, người mua, người sản xuất với nhau, tạo nên những chuỗi giá trị theo mong muốn của họ, có thể là dạng lỏng, dạng chặt, từ đó giúp chi phí sản xuất hàng hóa thấp nhất, chi phí vận chuyển thấp nhất, đến được rộng rãi người tiêu dùng nhất.
Thứ tư, nền tảng kĩ thuật số còn cho phép chúng ta giao thiệp với tất cả bạn hàng trên thế giới, không chỉ trong phạm vi quốc gia một cách nhanh nhất. Đây là cơ hội để ta tìm nguồn hàng, nguồn máy móc, kĩ thuật tốt nhất, phù hợp nhất, đáp ứng được nhu cầu đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại hiện nay, đặc biệt khi chúng ta tham gia vào EVFTA và một số hiệp ước khác.
Việc chúng ta phải sử dụng nguyên vật liệu của các khối này để được hưởng ưu đãi về thuế là cần thiết, thông qua mạng này, có được công nghệ, nguyên liệu của khối này, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định ta kí kết, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.
Thứ năm, việc mua bán kinh doanh qua mạng công nghệ tạo thói quen mới cho người tiêu dùng. Khi giao dịch qua mạng, các doanh nghiệp phải tạo niềm tin cho người mua, hàng hóa phải là tốt nhất, đảm bảo chất lượng, từ đó hàng giả hàng nhái sẽ giảm đi rất nhiều.
Thứ sau, thông qua việc phát triển công nghệ số, không chỉ hiện đại hóa quá trình kinh doanh mua bán của chúng ta mà còn làm cho mảng Logistics phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Ngay trong mùa dịch này, việc gói hàng, vận chuyển hàng, làm sao đến nhanh nhất với người mua hàng mà vẫn đảm bảo phẩm cấp vẫn được đáp ứng.
Việc phát triển Logistics này như nền tảng để phát triển kinh doanh hiện đại, vì thế nên rõ ràng nói về tổng thể, lợi ích đem đến cho nền kinh tế và doanh nghiệp là rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi nhưng còn loay hoay không biết làm thế nào để chuyển đổi số một cách tốt nhất, theo ông các yếu tố và điều kiện cần khi chuyển đổi số là gì?
Trước hết, để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đương nhiên, bước ban đầu đòi hỏi có chi phí nhất định, tuy nhiên chi phí này không phải quá đắt. Chúng ta cũng phải có những phần mềm công nghệ để từ đó chúng ta có được sự bảo mật, giao tiếp phù hợp, có nền tảng để ứng dụng công nghệ số.
Doanh nghiệp phải chọn những đối tác đủ độ tin cậy và có tầm phát triển. Việc bảo mật cũng cần phải quan tâm, đảm bảo thông tin, yêu cầu đến được bạn hàng nhưng cũng cần bảo mật. Vì vậy, sự kết hợp giữa doanh nghiệp với chủ thể công nghệ số rất quan trọng.
Doanh nghiệp cũng cần hiện đại hóa quá trình sản xuất kinh doanh và làm quen với các nền tảng công nghệ số. Đơn cử như việc quảng cáo, phải vừa ngắn gọn bắt mắt phản ánh đúng phẩm cấp, quy trình, sao cho đưa đến người tiêu dùng những sự thật về sản phẩm, đạt được lòng tin của khách hàng.
Việc phát triển nền tảng công nghệ số đòi hỏi bảo mật và quy trình nghiêm khắc trong việc mua bán trao đổi hàng hóa nên chúng ta phải chấp nhận những điều kiện của thị trường. Các doanh nghiệp nhất là đối với bán buôn, cần có chủ thể trung gian có tài khoản để thực hiện việc thanh toán, chuyển tiền, vì việc chuyển tiền trực tiếp có rất nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cũng cần hoàn thiện chính sách liên quan đến kinh doanh điện tử, bảo mật… để các doanh nghiệp có phương thức kinh doanh, sử dụng dòng tiền của mình một cách hợp lý nhất, từ đó phát triển thương mại điện tử.
Xin cảm ơn ông!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận