Covid-19 đánh vào tổng cầu, vì sao lạm phát vẫn tăng lên?
Trong tháng 5 - tháng bùng phát đợt dịch Covid-19 mới - giá của phần lớn các nhóm hàng hóa cơ bản đều tăng, đặc biệt là nhóm giao thông vận tải, ăn uống và vật liệu xây dựng. Điều này kéo CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% và lạm phát cơ bản tăng 0,15% so với tháng trước.
8/11 nhóm hàng tăng giá
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 5/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,16% (khu vực thành thị và khu vực nông thôn cùng tăng 0,16%).
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5/2021 có tới 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.
Trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76% (làm CPI chung tăng 0,07%) do ảnh hưởng của hai đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,08%) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; bên cạnh đó chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng Năm tăng 0,04% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,01%), chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 làm chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% so với tháng trước chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng.
Nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,25%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% do giá thuốc các loại tăng 0,03%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%, tập trung ở nhóm trang sức tăng 1,64%.
Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có mức giảm so với tháng trước nhiều nhất với 0,23% do du lịch trọn gói giảm 0,7%.
Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01% so với tháng trước.
Yếu tố tiền tệ - lạm phát cơ bản thấp nhất 5 năm
Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2021 tăng 2,9%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24% so với tháng 5/2020, chủ yếu do cùng kỳ năm trước giá xăng, dầu trong nước giảm sâu theo giá nhiên liệu thế giới.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thực phẩm tháng 5/2021 giảm 1,12% do cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn ở mức cao vì nguồn cung thiếu khi chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đồng thời các quán ăn, nhà hàng mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu thực phẩm tăng làm giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao.
Nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm nhiều nhất với 0,88% do giá các loại điện thoại giảm.
Nhóm giao thông tháng 5/2021 tăng cao nhất với 7,98% do giá xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 8 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 3.060 đồng/lít so với tháng 12/2020; giá xăng E5 tăng 2.910 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 2.400 đồng/lít.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.
Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận