Covid-19: Chuyên gia WHO phản đối việc tiêm "trộn" vaccine, tiếp tục kêu gọi bình đẳng
Nhà khoa học hàng đầu của WHO cảnh báo mọi người không nên tiêm phối hợp vaccine ngừa Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau.
Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 12/7, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm các nhà khoa học WHO cho rằng, việc tiêm vaccine trộn lẫn là một xu hướng có phần nguy hiểm.
Tiến sĩ Swaminathan khẳng định: "Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm vaccine trộn lẫn”.
Bà Swaminathan đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh một số quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Philippines, Thái Lan… chọn cách tiêm phối hợp nhiều loại vaccine ngừa Covid-19. Mục đích của hành động này là để nâng cao tỷ lệ ngừa virus, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ các hãng dược.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) được công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy, cơ thể bệnh nhân tiêm mũi đầu vaccine AstraZeneca rồi tiêm mũi thứ 2 vaccine Pfizer sẽ sản sinh lượng kháng thể nhiều hơn người tiêm 2 liều vaccine AstraZeneca.
Một nghiên cứu tại Tây Ban Nha được công bố vào tháng 5 cũng cho kết quả tương tự đối với việc tiêm phối hợp 2 vaccine ngừa Covid-19 khác loại. Nhưng cả hai kết quả nghiên cứu này chưa được bình duyệt.
Cùng ngày 12/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cho rằng các nước giàu không nên đặt thêm vaccine ngừa Covid-19 để tiêm nhắc lại trong khi nhiều nơi khác vẫn còn cần vaccine.
Ông Tedros nói: “Khoảng cách chênh lệch về nguồn cung vaccine Covid-19 đang rất lớn và bất bình đẳng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt thêm hàng triệu liều tiêm nhắc lại, trong khi các nước khác chưa có nguồn cung để chích ngừa cho nhân viên y tế và nhóm gặp rủi ro cao”.
Tổng Giám đốc WHO kêu gọi đích danh 2 hãng Pfizer và Moderna nên chuyển các lô vaccine cho COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu chủ yếu cho nước thu nhập thấp và trung bình, thay vì cố gắng cung cấp liều tiêm nhắc lại cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận