Covid-19 bùng phá tại Đông Nam Á tác động xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu
Khu vực Đông Nam Á là mắt xích quan trọng trong thương mại toàn cầu đang rơi vào tình cảnh bế tắc, gây áp lực cho nhiều chuỗi cung ứng quan trọng.
Những tác động của Covid-19 vào năm 2020 cùng sự kiện tắc nghẽn kênh đào Suez là lời cảnh tỉnh cho nền kinh tế toàn cầu khi chỉ ra được những điểm bất cập và tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, khi những giải pháp kiện toàn chuỗi cung ứng chưa kịp phát huy tác dụng, chuỗi cung ứng tiếp tục rơi vào bế tắc bởi những trung tâm sản xuất quan trọng trên thế giới, từ Ấn Độ cho tới Đông Nam Á liên tục chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch, đặc biệt là biến thể Delta.
Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng toàn cầu về dịch bệnh khi số lượng ca nhiễm liên tục tăng cao. Các nền kinh tế năng động tại khu vực này như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều rơi vào tình trạng báo động.
Những biện pháp hạn chế được ban bố với kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cũng khiến nhiều hoạt động kinh tế rơi vào bế tắc. Các nhà máy, công xưởng phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp. Điều kiện di chuyển cũng được thắt chặt nghiêm ngặt, hoạt động vận tải, lưu chuyển hàng hóa tắc nghẽn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gián đoạn tại Đông Nam Á ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế khi khu vực này là nguồn cung ứng cho nhiều lĩnh vực quan trọng.
Điện tử, cơ khí nằm trong số những lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất bởi thiết bị điện tử và chất bán dẫn chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của khu vực này. Malaysia là đối tác cung ứng tới 24% nhu cầu chất bán dẫn cho Mỹ. Indonesia cũng đang trở thành thế lực mới trong chuỗi cung ứng sản xuất pin, nhờ vào trữ lượng lithium và niken dồi dào.
Trong khi đó, Việt Nam “cứ điểm” sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính và máy tính bảng với sự xuất hiện của một loạt ông lớn như Samsung, Foxconn, Intel… Thái Lan và Malaysia là những địa điểm quan trọng của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.
Sự đình trệ trong sản xuất của khu vực Đông Nam Á làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng do thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, khiến một loạt tập đoàn công nghệ lớn đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại.
Sản xuất ô tô toàn cầu cũng gián đoạn do thiếu đầu vào. Một số nhà máy của Nissan, Toyota, Honda… tại Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng do khan hiếm nguồn cung từ Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Ở Việt Nam, dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp từ tháng 5 khiến nhiều nhà máy điện tử phải tạm ngưng hoạt động. Sau đó, TP.HCM và Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội cũng gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp điện tử. Mới đây, Intel Việt Nam đã đề nghị TP.HCM sớm kết thúc giãn cách để doanh nghiệp không phải chịu thêm thiệt hại, tránh hiện tượng dòng vốn đầu tư rời khỏi đất nước.
Nông nghiệp và thực phẩm cũng đang phải chịu ảnh hưởng do dịch bệnh tại Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đang phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp khơi luồng lưu thông cho gạo cũng như nhiều loại nông sản khác khi đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất đất nước đang thực hiện giãn cách xã hội.
Sản xuất và xuất khẩu nông sản tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, nơi có những mặt hàng nông sản quan trọng cho ngành công nghiệp thực phẩm thế giới cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn.
Theo ghi nhận của VTV tại châu Âu, giá cá nông sản có xuất xứ từ châu Á đang ở mức cao và có thể sẽ tăng hơn nữa nếu có đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nông sản tại thị trường này đang phải tiến hành tích trữ hàng.
Giá một số thực phẩm chế biến lấy nguyên liệu có nguồn gốc Đông Nam Á tại Nhật Bản đang tăng do sản lượng xuất khẩu nông sản tại khu vực này suy giảm. Theo Nikkei Asia Review, xuất khẩu dầu cọ từ Malaysia giảm khiến các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra kế hoạch có thể tăng giá bơ thực vật lên hơn 12%.
Mặt hàng thịt gia cầm cũng đứng trước nguy cơ khi Thái Lan cung cấp tới 25% nhu cầu thịt gà cho Nhật Bản. Các đơn hàng bị trì hoãn khiến doanh nghiệp Nhật lên kế hoạch tìm kiếm nhà cung ứng ở những nơi khác.
Thị trường cà phê toàn cầu thiếu hụt nguồn cung bởi dịch bệnh tại Đông Nam Á cũng như vấn đề thời tiết ở Brazil khiến giá cà phê được ghi nhận ở một số sàn giao dịch quốc tế đang có xu hướng tăng.
Nikkei Asia Review dẫn lời một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, hiện tại, tình trạng chưa quá tồi tệ, tuy nhiên các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để ứng phó trong trường hợp dịch bệnh tại ASEAN tiếp tục kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận