Covid-19: 7.000 ca mắc mới ở Nhật, kỷ lục trong 4 tháng; EU ngỏ lời với Mỹ về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine
Ngày 8/5, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1/2021, Nhật Bản ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong ngày ở mức 7.000 ca.
Ngày 8/5, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1/2021, Nhật Bản ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong ngày ở mức 7.000 ca.
Con số trên được ghi nhận một ngày sau khi chính phủ quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp hiện nay ra ngoài thủ đô Tokyo và vùng Osaka, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về các biến thể lây lan nhanh của virus.
13 trong tổng số 47 tỉnh đã ghi nhận những con số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó có tỉnh Aichi và Fukuoka, nơi đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 5/5, lần lượt là 575 và 519 ca nhiễm mới. Tỉnh Hokkaido có 403 ca nhiễm mới.
Thủ đô Tokyo, nơi dự kiến tổ chức Thế vận hội Olympic trong gần 3 tháng nữa, đã ghi nhận 1.121 ca nhiễm mới trong ngày 8/5, mức cao nhất kể từ ngày 22/1 trong khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn đang được thực thi.
* Ngày 8/5, Malaysia ghi nhận thêm 4.519 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ sau hôm 4/2 và là mức cao thứ 5 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.
Theo Bộ Y tế Malaysia, ngày 8/5 nước này cũng ghi nhận thêm 16 ổ dịch mới với tổng cộng 376 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 8 ổ dịch liên quan tới nơi làm việc, 6 ổ dịch liên quan tới khu dân cư, 1 ổ dịch liên quan tới cơ sở tôn giáo và 1 ổ dịch là cơ sở giáo dục.
Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay, Malaysia đã phát hiện 1.775 ổ dịch và tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này hiện là 436.944 ca, bao gồm 1.657 ca tử vong, chiếm 0,38%.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) đối với 3 huyện và 3 quận thuộc bang Penang từ ngày 10-23/5. Đây là những nơi có số ca mắc Covid-19 rất cao và phần lớn ca bệnh đến từ khu dân cư.
Trước đó, Malaysia cũng tái áp dụng MCO tại lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur từ ngày 7-20/5 và 6/9 quận thuộc bang Selangor từ ngày 6-17/5.
* Cũng trong ngày 8/5, Pakistan thông báo bắt đầu giai đoạn phong tỏa 9 ngày nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan có thể xảy ra trong ngày lễ dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Theo giới chức y tế Pakistan, nước này đang phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế như đang xảy ra tại quốc gia có chung đường biên giới - Ấn Độ.
Chính phủ Pakistan đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ sau lệnh phong tỏa kéo dài một tháng hồi tháng 4 năm ngoái.
Với quy định mới, tất cả các doanh nghiệp, khách sạn và nhà hàng, thậm chí cả các khu chợ dân sinh, công viên đều phải đóng cửa. Trong khi giao thông công cộng giữa các tỉnh và thành phố cũng bị tạm dừng hoạt động.
Hiện lực lượng quân đội đã được huy động để tham gia giám sát các biện pháp hạn chế trên. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà thờ Hồi giáo, vốn rất đông các tín đồ đến hành lễ trong tháng lễ Ramadan, vẫn mở cửa.
Pakistan đã ghi nhận tổng cộng 850.000 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 18.600 ca tử vong.
* Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã trở lại mức 700 ca lần đầu tiên sau 10 ngày.
Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 8/5, nước này đã ghi nhận 701 ca nhiễm mới, trong đó có 672 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 126.745 ca.
KDCA cũng ghi nhận 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước 1.865 ca. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này là 1,47%.
Số ca nhiễm mới tăng trở lại trong bối cảnh ngày càng nhiều người ra ngoài trời tận hưởng khí hậu ấm áp hơn và gặp gỡ gia đình. Trong nỗ lực nhằm kiềm chế số ca nhiễm biến thể mới của virus, một số địa phương ở Hàn Quốc đã tăng cường các điểm quét thân nhiệt và khuyến cáo công dân nên đi xét nghiệm.
Chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung ngăn chặn các ca nhiễm biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ trong bối cảnh nhiều người Hàn Quốc sẽ từ Ấn Độ về nước trong tháng này.
Trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Moon Jae-in viết: "Tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách nhanh nhất để trở lại cuộc sống bình thường".
Đến nay, Hàn Quốc đã tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho khoảng 2 triệu người và 1,66 triệu người đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 8/5, Pakistan đã nhận được lô đầu tiên gồm 1,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 theo tỷ lệ được hưởng trong cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Cùng ngày, Sri Lanka đã phê chuẩn vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong bối cảnh nước này đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba và bị hạn chế nguồn cung vaccine từ nước láng giềng Ấn Độ.
Bộ trưởng giám sát cuộc chiến chống dịch Sudharshani Fernandopulle cho biết chính phủ sẽ đặt mua 5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech.
Sri Lanka đang tìm cách có các loại vaccine khác khi Viện Serum của Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - ngừng giao vaccine Covishield của hãng AstraZeneca do tình hình dịch bệnh tại nước này đang diễn biến rất phức tạp.
Sri Lanka là nước Nam Á đầu tiên phê chuẩn vaccine của Pfizer. Nước này cũng đã phê chuẩn vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc).
Trong ngày 8/5, Sri Lanka đã ghi nhận 1.914 ca nhiễm và 19 ca tử vong mới.
* Trong một diễn biến khác, Thái Lan dự định sẽ phê chuẩn vaccine của hãng Moderna nhằm tăng tốc quá trình tạo miễn dịch cộng đồng. Tháng trước, hãng Moderna đã đệ đơn đăng ký cho vaccine của mình được sử dụng tại Thái Lan.
Người đứng đầu Tổ chức Dược phẩm của chính phủ Withoon Danwiboon cho biết, điều mà Thái Lan kỳ vọng ở Moderna là "cam kết sẽ chuyển vaccine đến sớm".
Công ty công nghệ sinh học Bharat Biotech của Ấn Độ cũng đã bắt đầu tiên trình đăng ký vaccine của mình tại Thái Lan trong khi vaccine của hãng Sinopharm của Trung Quốc vẫn chưa được phê chuẩn.
Đến nay, Thái Lan đã phê chuẩn vaccine của các hãng Sinovac Biotech, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Chính phủ cũng cho biết từ tháng 6 tới, 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca sẽ được sản xuất trong nước.
* Cũng trong ngày 8/5, Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech/Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 8/5 thông báo: "EC vừa phê chuẩn một hợp đồng với hãng dược BioNTech/Pfizer đảm bảo 900 triệu liều (có thể thêm 900 triệu liều khác) trong năm 2021-2023".
Bà von der Layen hứa hẹn: "Sẽ tiếp tục có các hợp đồng khác và công nghệ vaccine khác".
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 ngay khi nhận được bản đề xuất cụ thể.
Trước đó ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Michel khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề này ngay khi có được một bản đề xuất cụ thể”. Tuy nhiên, ông Michel cũng thận trọng cho rằng EU đang hoài nghi về ý tưởng "đây là giải pháp đơn giản và nhanh chóng trong ngắn hạn" có thể giúp chấm dứt đại dịch.
Theo ông, giải pháp nhanh nhất để tăng cường phân phối vaccine trên toàn cầu là xuất khẩu và EU khuyến khích "tất cả các bên tạo điều kiện cho xuất khẩu vaccine".
Ngày 8/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc chính phủ Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 và các thành phần của vaccine này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Bồ Đào Nha, Tổng thống Macron cho rằng các quốc gia giàu có phải mở rộng năng lực vaccine của họ để giúp các nước kém phát triển hơn.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận