COVAX huy động đủ 8,3 tỷ USD để mua vắc-xin cho các nước nghèo
Sáng kiến chia sẻ vắc-xin COVAX Facility đã đạt được mục tiêu huy động 8,3 tỷ USD để mua 1,8 tỷ liều vắc-xin COVID-19, đủ cho 30% dân số các nước đang phát triển, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide cho biết.
Ngày 2/6, Nhật Bản cam kết quyên góp thêm 800 triệu USD cho nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm phân phối vắc-xin COVID-19 đồng đều cho các quốc gia.
Với cam kết từ các quốc gia và tổ chức tư nhân khác, COVAX Facility đã vượt mục tiêu huy động 8,3 tỷ USD cần thiết, Thủ tướng Suga cho biết.
Cam kết của Nhật Bản được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 2/6, với sự tham gia của đại diện hàng chục quốc gia. Tokyo trước đó đã cam kết quyên góp 200 triệu USD cho chương trình này. Thủ tướng Suga cũng cho biết Nhật Bản sẽ quyên góp 30 triệu liều vắc-xin sản xuất nội địa vào thời điểm phù hợp trong tương lai.
“Chúng ta không được để tình hình cụ thể của quốc gia nào hay sức mạnh kinh tế nào quyết định việc tiếp cận vắc-xin. Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực bảo đảm tiếp cận công bằng các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả cho càng nhiều người càng tốt”, ông Suga nói trong hội nghị mà ông là người đồng chủ trì.
Từ tháng 2 đến nay, COVAX Facility đã phân phối hơn 70 triệu liều vắc-xin cho hơn 120 quốc gia. Sáng kiến được WHO hậu thuẫn này đã huy động được 7 tỷ USD tính đến ngày 30/5, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Đến nay Mỹ là nước quyên góp nhiều nhất, với 2,5 tỷ USD và 80 triệu liều vắc-xin. EU cam kết hàng tỷ USD và 100 triệu liều vắc-xin.
Các lãnh đạo thế giới như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch EU Ursula von der Leyen và tỷ phú Bill Gates đã tham dự hội nghị.
Ông Guterres nói rằng 1o quốc gia đang có hơn 75% tổng lượng vắc-xin COVID-19 của thế giới, trong khi ở các nước nghèo, ngay cả nhân viên y tế và những người có bệnh nền cũng chưa được tiêm. “Điều này không chỉ là sự bất công rõ ràng mà còn là hành động tự đánh bại”, ông Guterres nói tại hội nghị.
“Tương lai chung của chúng ta phụ thuộc vào phản ứng tập thể trước khủng hoảng toàn cầu. Người dân vẫn tiếp tục mắc COVID-19. Người dân vẫn đang chết mỗi ngày. Và đó là lý do vì sao chúng ta cần làm việc cùng nhau để giúp người dân được tiêm phòng nhanh nhất có thể ở tất cả các quốc gia trên thế giới”, Phó Tổng thống Mỹ Harris phát biểu.
Nhật Bản đang muốn tăng cường đóng góp cho COVAX Facility một phần để cạnh tranh với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Dù chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đang chậm hơn các nước phát triển khác, nhưng nước này đã ký được thoả thuận với các hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca với số lượng nhiều hơn nhu cầu của dân số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận