Coteccons - Nhìn về tương lai tươi sáng
Sau sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, cựu chủ tịch CTD năm 2020, các cổ đông nước ngoài Kusto lên tiếp quản công ty, nhiều người đã cho rằng Coteccons sẽ không còn duy trì được vị thế đứng đầu ngành xây dựng nữa, thậm chí không thể kiếm được gói thầu thi công mới. Bởi lẽ trong một ngành cần rất nhiều quan hệ, rất nhiều kinh nghiệm như ngành Xây dựng tại Việt Nam, những cổ đông tay ngang nước ngoài sao có thể đưa công ty phát triển ?!?
Tuy nhiên sau 3 năm chật vật chống lại sự ảnh hưởng của Covid 19, rồi cơn bão giá nguyên vật liệu, và trước mắt là sự đi xuống của ngành BĐS, Coteccons đã cho thấy những bước tiến rất vững chắc và đang tìm lại ánh hào quang mới dưới triều đại của Bolat Duisenov.
(1) Kết thúc năm 2022, doanh thu CTD là 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với 2021, đánh dấu năm đầu tiên doanh thu tăng trưởng kể từ sau “nội chiến”. CTD cũng đã đòi lại vị thế nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam từ tay Hòa Bình sau đúng 1 năm mất ngôi. 2 quý cuối năm 2022 cũng là 2 Quý bùng nổ về doanh thu khi tăng trưởng lần lượt 191% và 113% so với năm trước.
Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự trở lại của Coteccons sau sự ra đi dàn lãnh đạo cũ đã mang đi rất nhiều khách hàng và khiến uy tín công ty sụt giảm nghiêm trọng.
CTD dưới thời ông Bolat đã có những sự tăng cường trong phòng đấu thầu sau khi nhiều vị trí chủ chốt ra đi, và năm 2022 công ty đã có sự bùng nổ về số lượng hợp đồng ký mới (backlog). Dự kiến công ty có backlog để lại đến hết 2023 đã là ~17.000 tỷ đồng. CTD hiện đang triển khai một số dự án bất động sản cao cấp như Diamond Crown, Ecopark, Vinhomes The Emerald Golfview… cũng như các dự án có vốn FDI như Apache, Tesa và gần nhất là nhà máy của Lego. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến nhận thầu lại một số dự án lớn do các Chủ thầu Xây dựng khác không đủ khả năng thực hiện do eo hẹp nguồn vốn thời gian tới.
Cũng cần lưu ý rằng CTD đang ghi nhận backlog theo cách tính mới, phần lớn đang đến từ những hợp đồng theo mô hình fast-track, tức là giá trị hợp đồng ký được thực tế năm đó thay vì cộng cả giá trị các hợp đồng MOU (biên bản ghi nhớ hợp tác) như các công ty XD khác – tức là con số 17.000 tỷ đồng chưa bao gồm dự án nhà máy Lego 1 tỷ USD.
Có thể thấy, trong cơ cấu kinh doanh của CTD đang có sự thay đổi khi đẩy mạnh mảng Xây dựng công nghiệp (Nhà máy), đây là mảng XD tiềm năng khi Việt Nam vẫn tiếp tục đón dòng vốn FDI mạnh mẽ, đồng thời mảng XD Công nghiệp chưa có nhà thầu nào chiếm lĩnh vị trí số 1. Đây cũng là bước tiến mới giúp đi qua giai đoạn khó khăn của ngành BĐS trong thời gian tới với các dự án của Lego, nhà máy Vinfast 3 và Dung Quất 2 của Hòa Phát và có thể là cả sân bay Long Thành trong tương lai.
(2) Sự thay đổi tiếp theo là trong cơ cấu Nợ và Tài sản của CTD. Sau thời kỳ ông Nguyễn Bá Dương nói “không” với vay nợ Ngân hàng, hiện tại, công ty đã bắt đầu vay vốn Tín dụng để bổ sung Vốn lưu động (~500 tỷ) và Trái phiếu (~500 tỷ, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 9,5%). Mặc dù việc này làm gia tăng chi phí lãi vay và rủi ro cho công ty, tuy nhiên cũng giúp công ty tận dụng uy tín để có thêm nguồn lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ tỷ lệ đòn bẩy của công ty khá thấp so với trung bình ngành, Nợ vay tài chính/VCSH của CTD chỉ khoảng 15%.
(3) Mặc dù năm 2022 và dự kiến cả 2023 là một năm khó khăn cho ngành BĐS, tuy nhiên CTD với lượng hợp đồng ký mới dồi dào đang chuẩn bị rất nhiều nhân lực, vật lực để tận dụng cơ hội bứt phá trong thời gian này.
+ Năm 2022, CTD đã chủ động gia tăng thêm 461 nhân sự (+25%) tập trung chủ yếu khối công trường, quản lý dự án nhằm đáp ứng khối lượng nguồn việc đang triển khai.
+ Công ty cũng đẩy mạnh giải ngân gần 200 tỷ đồng (cao nhất từ 2016) đầu tư mua sắm tài sản cố định (CAPEX) chủ yếu là thiết bị máy móc phục vụ tại các công trường quan trọng.
Công ty cũng đã dần cải thiện được việc quản trị dòng tiền khi vòng quay sử dụng tiền (Cash conversion rate) và Vòng quay khoản phải thu giảm xuống.
Có thể thấy những dấu hiệu rất tích cực dưới thời ông Bolat khi CTD đang dần lấy thêm các hợp đồng mới, đồng thời vẫn duy trì chiến lược chăm sóc tốt các khách hàng thân thiết để tiếp tục được giao thầu các dự án tiếp theo (repeat sale).
Nên nhớ, vốn hóa hiện tại của CTD (~2.700 tỷ) mới chỉ tương đương lượng Tiền mặt + Đầu tư tài chính ngắn hạn cuối năm 2022. Với việc CTD cũng đã trích lập xong Dự phòng Phải thu với các CĐT BĐS khó khăn (Tân Hoàng Minh), ngoài ra giá nguyên vật liệu hiện tại đã bớt nóng so với thời điểm trước, CTD chỉ cần tập trung vào số lượng backlog hiện tại cũng đã đảm bảo cho mức tăng trưởng Doanh thu, lợi nhuận ít nhất 30-40% so với 2022.
Positive Flow rất tin tưởng vào sự thành công của ông Bolat với CTD trong thời gian tới, khi công ty đã xây dựng và hoàn thiện được đội ngũ và văn hóa làm việc, cũng như một Bảng cân đối rất vững chắc, an toàn nhưng cũng đang tiến rất nhanh.
---------------------------------------
_ _ _ 𝐏𝐎𝐒𝐈𝐓𝐈𝐕𝐄 𝐅𝐋𝐎𝐖 (𝐏𝐅𝐈𝐂) _ _ _
𝑭𝒐𝒍𝒍𝒐𝒘 𝒕𝒉𝒆 𝑴𝒐𝒏𝒆𝒚 𝒂𝒏𝒅 𝑮𝒆𝒕 𝑷𝒓𝒐𝒇𝒊𝒕
𝐓𝐞𝐥: 0837.935.489 Website: positiveflow.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận