Content “ảo ảnh”: Hãy tránh xa!
Khi thế giới Content ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, một “làn sóng” Content… “ảo ảnh” đã xuất hiện. Điều này như một sự tất yếu, khi bất kỳ ai cũng có thể bày tỏ quan điểm, nhằm dẫn dắt người khác.
Tôi còn nhớ, trong một khóa đào tạo Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing và PR của mình, tôi đã gặp một học viên rất có năng khiếu.
Em còn trẻ, sáng tạo và có khả năng viết rất cảm xúc, gần gũi, để tạo ra những Content Storytelling “ngọt lịm”.
Ấn tượng với sản phẩm nội dung của em, tôi đã inbox và dành lời khen. Sau vài câu trò chuyện qua lại, bất ngờ thay, em thật thà hỏi tôi: “Em còn trẻ, rất muốn viết nhiều nhưng chưa có động lực, cũng chẳng biết viết gì. Dạo gần đây, em thấy có nhiều nội dung self-help, em thấy bản thân phù hợp và có thể viết loại này. Em có nên tập trung vào chủ đề ấy không?”.
Tôi… giật mình. Giật mình, là bởi có bao nhiêu thứ hay ho, sao em lại chọn self-help?
Có thể nói, self-help không quá xấu, nhưng cũng chẳng quá tốt như nhiều người lầm tưởng. Nó có thể hữu ích trong một số trường hợp, và giúp người ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Nhưng điều tệ hại là nó dễ dẫn tới… quá liều, khiến người ta bị ngộ nhận, lầm tưởng bản thân là thiên tài chưa được khai quật. Rồi hàng loạt hành động “khùng điên” theo đó mà bị kích hoạt…
Tôi đã giải thích cho học viên đó và khuyên em lựa chọn một con đường hữu ích và cụ thể hơn.
*****
Qua câu chuyện kể trên, tôi muốn nói rằng, những thứ Content self-help nói riêng, và các loại Content “ảo ảnh” nói chung, đang thực sự “đầu độc” người trẻ, vì những ảo tưởng quá lớn từ đó mà ra.
Hiện, có những người trẻ rất lạ!
Họ là một người bình thường đúng nghĩa – cả về vị trí xã hội, trình độ chuyên môn… – nghĩa là mọi thứ đều mới bắt đầu.
Họ may mắn có chút năng khiếu về Content, dù còn thiếu nhiều kiến thức xã hội.
Vậy nhưng kỳ lạ thay, họ lại thể hiện một cách khuỳnh khoàng, tự x5, x10, thậm chí x100 những thứ quanh họ: Khoe khoang số tiền kiếm được một cách thái quá (và không đáng tin, đương nhiên); Sẵn sàng nói dối tỉnh bơ; Mang hoàn cảnh đặc biệt của bản thân ra làm “bệ phóng”…
Những Content “chia sẻ” đó không có bất kỳ giá trị hay yếu tố chuyên môn nào. Thay vào đó là lối nói chung chung, “chúng ta thế này”, “chúng ta thế kia”, “bạn nên…”.
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những nền tảng mới như TikTok hay Instagram, đang tạo ra một thế hệ người trẻ “thích truyền cảm hứng”, trong khi nội lực lại… trống rỗng.
Đó là chân dung dễ thấy nhất của những người chuyên tạo ra thứ Content “ảo ảnh” mà tôi chia sẻ ở trên!
*****
Điều nguy hiểm nhất của Content “ảo ảnh” là nó tạo ra sự mù mờ và ảo tưởng, hay những “áp lực đồng trang lứa” không đáng có.
Còn nhớ, trong quá trình làm Inbound Content Marketing cho thương hiệu đào tạo Vietchuyennghiep.vn, tôi được một bạn nữ follow và bày tỏ sự ủng hộ.
Điều đó tốt thôi!
Bạn ấy là người chịu khó học hỏi, đọc các bài viết chia sẻ chuyên môn, thể hiện là người trẻ tích cực. Sau một thời gian, bỗng…
Bạn thay đổi đến chóng mặt!
Thay vì những nội dung tích cực, hào hứng của người trẻ, bạn bắt đầu tạo ra thứ Content “ảo ảnh”, dường như là kết quả sau khi bạn đi theo luồng quan điểm tiêu cực của một “người truyền cảm hứng” nào đó.
Đỉnh điểm của sự rẽ hướng nói trên là bạn làm clip TikTok và viết bài chia sẻ trên Facebook, với đề tài “Tôi đã kiếm được 50 triệu đồng một tháng như thế nào?”.
Từ một nữ sinh mới ra trường, trong trẻo và tích cực, bạn đã kiếm được ngần đó tiền như thế nào? Tôi xem xong, vẫn không rõ, vì những nội dung đó chỉ thuần túy là “khoe” (xin nhấn mạnh rằng, “khoe” chứ không phải “flex”, vì ít ra thì flex còn có sự hài hước, vui vẻ trong đấy).
Trước thứ Content “ảo ảnh” phi lý đó, nhiều người đã phản ứng, gồm cả người lớn tuổi hơn bạn, cũng như những người đồng trang lứa. Họ bảo bạn gái ấy hãy “show” bằng chứng, thì bạn quay ra lí sự cùn là… chỉ cần bạn biết là được, không cần phải chứng minh với ai (?!).
Và ai cũng thấy: “Ủa, nếu không cần chứng minh, thì dùng thông tin số tiền đó làm mồi câu, khoe ra làm gì?”. Mục đích chỉ là để “lùa gà” hay sao?
Khi tôi góp ý chân thành, bạn quay lưng và… block.
Câu chuyện ở trên nói lên một điều: Người bình thường sẽ không tạo ra thứ Content “ảo ảnh”! Chỉ những ai hiểu sai, lệch lạc, ảo tưởng thì mới là tác giả của những kiểu Content như vậy!
Khi lướt TikTok, tôi gặp rất nhiều kiểu Content “ảo ảnh”, khiến mọi người bị áp lực không đáng có:
“Kiếm 50, 100 triệu đồng/tháng như thế nào?”
“Mình đã lên vị trí trưởng phòng/giám đốc ở tuổi 23, 24 ra làm sao?”
“Cách mình x10 số tiền kiếm được sau khi ra trường chỉ 2 năm”
…
Ảo ảnh, tức là không có thật. Thứ chân ái vẫn là nhìn vào bản chất của mọi việc, để nhìn nhận và hiểu cho đúng. Điều đơn giản và cơ bản như thế dường như vẫn rất xa vời với một số người trẻ.
Và thế là họ vẫn cứ quay cuồng trong thứ Content “ảo ảnh”, để lừa dối những người “hóng” truyền cảm hứng khác, rồi thậm chí, tự lừa dối cả chính bản thân mình!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận