'Công xưởng' thế giới mở rộng ở Indonesia, Bangladesh..., xuất khẩu của Việt Nam có lo?
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu (XK) 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao; Các mặt hàng công nghiệp XK chủ lực tiếp tục phục hồi tốt…
Thoát ‘ăn đong’ lại lo nỗi lo mới
Xuất khẩu đã qua giai đoạn khó khăn nhất, không còn phải "ăn đong" đơn hàng, song Bộ Công Thương nhìn nhận, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường XK của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam đối mặt áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết do khoảng cách địa lý giữa hai bờ Thái Bình Dương, trong lĩnh vực nông sản, Việt Nam vẫn rất kém cạnh tranh so với các nước lân cận như Hoa Kỳ, Mexico.
Ngoài lợi thế về giá vận chuyển, giữa Canada và các nước này đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) Bắc Mỹ (CUSMA). Canada là nước có nền kinh tế mở với nhiều FTA. Nhiều nước Nam Mỹ cũng đã có FTA với quốc gia này. Với thổ nhưỡng, khí hậu tương tự Việt Nam, năng lực cung cấp ổn định và lợi thế về vị trí địa lý, giá nhân công rẻ, các nước Nam Mỹ có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang Canada.
Đáng chú ý, bà Quỳnh cho hay, ở ASEAN, ngoài Việt Nam, Malaysia, Singapore đều là thành viên của CPTPP, Indonesia sẽ ký FTA với Canada năm 2024 và Canada đang tiến đến ký kết FTA với toàn khối ASEAN.
“Nói cách khác, trong lĩnh vực nông sản nói chung và trong lĩnh vực cà phê, gia vị, Việt Nam sẽ còn gặp nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc mặt hàng và đều có lợi thế về ưu đãi thuế quan”, bà Quỳnh cảnh báo.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa XK sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức như một số nước Nam Mỹ, Bắc Phi.
Mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa XK của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc – quốc gia XK nhiều nhất sang Đức.
Doanh nghiệp Việt tính xây thêm nhà máy ngoài Việt Nam
Trước xu hướng tái định vị nguồn cung, tức là ưu tiên dùng hàng nội khối trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bất trắc cũng từng được ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra. Theo ông, một số đối tác Mỹ, EU cũng có ý định tìm kiếm nguồn cung trong nội khối của họ để thay thế sản phẩm Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Hoài vẫn bày tỏ sự tự tin của ngành gỗ về chất lượng, giá cả. “Nếu Mỹ, EU muốn tìm kiếm nguồn cung thay thế hàng Việt Nam cũng không dễ, như phân khúc đồ gỗ phục vụ đối tượng trung lưu: tủ bếp, phòng khách, bàn ăn”, ông nói.
Thực tế, một số DN XK của Việt Nam đã nhận rõ thách thức trên và đang có giải pháp ứng phó. Công ty May Sông Hồng cho biết các công ty Mỹ, châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn và gây sức ép lên giá, một số thương hiệu đang phải tái cấu trúc lại như Express, Nike, Adidas.
Trước xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, May Sông Hồng đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập liên doanh tại Ai Cập. Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới đây, lãnh đạo Công ty này chia sẻ về những lợi thế khiến May Sông Hồng quyết định đầu tư tại Ai Cập, trong đó có việc thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần hơn. Hiện, nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Lãnh đạo công ty này nhìn nhận: Đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều, đặc biệt là chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chi phí hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro, công ty đầu tư quy mô nhỏ và cử người ở Công ty sang vận hành. Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tùy vào thực tế.
Trong bối cảnh xung đột nổ ra ở nhiều nơi… gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá, Bộ Công Thương cho biết đang chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp XK lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp XK trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận