Công ty Thủy sản Sài Gòn vay gần 6.000 lượng vàng của Sacombank chưa trả
Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn vay Sacombank 5.833 lượng vàng theo hợp đồng tín dụng từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa trả được. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu âm nghìn tỷ.
Vay gần 6.000 lượng vàng
Theo báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán của Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy Sản Sài Gòn (gọi tắt là Công ty APT) cho biết, tại thời điểm 31/12/2023, Công ty đã thực hiện đánh giá lại khoản nợ vay 5.833 lượng vàng SJC tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (trước đây là Ngân hàng TMCP Phương Nam) theo giá niêm yết của ngân hàng cho vay.
Ngoài ra, Công ty đã thực hiện ghi nhận vào chi phí tài chính trong năm 2023 các khoản chi phí lãi vay cho toàn bộ khoản vay bằng vàng và tiền tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (gọi tắt là Sacombank) với tổng số tiền là 60,179 tỷ đồng. Số lãi vay này được trích theo lãi suất ký kết trên các hợp đồng vay và chưa tính đến lãi quá hạn.
Đồng thời, theo thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho biết, toàn bộ dư nợ 836 tỉ đồng tại Sacombank đang nằm trong số nợ quá hạn chưa thanh toán và đã tăng 108 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản nợ lãi vay vàng chiếm 665 tỉ đồng, còn lại 171 tỉ đồng khoản lãi vay tiền VND.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính cũng ghi nhận, cả hai khoản vay tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đều từ năm 2009. Trong đó, một hợp đồng tín dụng với hạn mức 103 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng (từ năm 2009 đến 2010) với lãi suất 12%/năm.
Hợp đồng thứ hai có hạn mức 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 249 tỉ đồng theo giá vàng vào cuối năm 2020. Hợp đồng này cũng có thời hạn 12 tháng (từ 2009 đến 2010) với lãi suất 10,8%/năm.
Cả hai hợp đồng này quá hạn nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Trong đó, số dư nợ gốc khoản vay bằng vàng đã tăng lên hơn 435 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty phải nộp về ngân sách nhà nước và Satra số tiền 28,2 tỷ theo kiến nghị của kiểm toán nhà nước Khu vực VIII.
Vốn chủ sở hữu âm nghìn tỉ
Cũng tại báo cáo tài chính năm 2023 này, đơn vị kiểm toán đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, bởi vì năm 2022, đơn vị kiểm toán đã đưa ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán liên quan đến các vấn đề về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn, các khoản nợ phải thu và phải trả chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Những vấn đề này chưa được khắc phục dẫn đến việc đơn vị kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023.
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn đang lỗ lũy kế là 1.354,5 tỷ đồng làm âm nguồn vốn chủ sở hữu 1.264,7 tỷ đồng. Kéo theo số lỗ lũy kế lớn gấp 15,39 lần vốn điều lệ của công ty (là 88 tỷ đồng);
Bên cạnh đó, các khoản nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 1.328,1 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 1.435 tỷ, lớn gấp 16,3 lần vốn điều lệ của công ty, trong đó, tổng số nợ phải trả quá hạn thanh toán là 1.415,8 tỷ đồng, trong đó nợ liên quan ngân hàng đã quá hạn là 1.374,9 tỷ đồng, nợ phải trả khác là 40,84 tỷ đồng.
Các vấn đề này cùng với những vấn đề Công ty đã nêu tại Thuyết minh số 1 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Chúng tôi không đánh giá được tính phù hợp của các số liệu cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các khoản mục liên quan trên Báo cáo tài chính.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua tình hình hoạt động kinh doanh của công ty này không mấy hiệu quả, khi kết quả kinh doanh của công ty này là những con số âm và kéo dài nhiều năm liền.
Được biết, trong năm 2022 Ngân hàng Sacombank đã nộp đơn khởi kiện Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn (APT) ra tòa án nhân dân Quận Bình Tân yêu cầu thanh toán nợ và yêu cầu phát mãi toàn bộ tài sản của công ty để thu hồi nợ. Hiện Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc công ty này đang tích cực thương lượng với Ngân hàng tìm biện pháp giải quyết nhằm bảo đảm sự tồn tại của công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận