Công ty nào được niêm yết trên sàn chứng khoán mới của Trung Quốc?
Những công ty được chọn từ Sàn giao dịch và định giá cổ phiếu Quốc gia (NEEQ) có thể đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán mới ở Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ thành lập một sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh, nhằm gia tăng sức ảnh hưởng chính trị và tài chính của quốc gia này trên trường quốc tế.
Tại hội chợ thương mại quốc tế gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố sàn giao dịch chứng khoán mới sẽ được thành lập tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết ông muốn tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp định hướng phát triển dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khi nào sàn chứng khoán này sẽ chính thức được thành lập vẫn là ẩn số, theo đài CNN.
Trung Quốc hiện có 2 sàn giao dịch chứng khoán đang hoạt động tại Thượng Hải và Thâm Quyến.
Được thành lập vào năm 1990, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải quy tụ hầu hết các công ty có vốn hóa lớn tại Trung Quốc, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các công ty năng lượng. Trong khi đó, Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến lại là nơi hội tụ các công ty công nghệ, công ty quy mô nhỏ hoặc vừa.
Còn với Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, đơn vị này hoạt động theo hệ thống luật pháp và quy định riêng và không chịu sự kiểm soát vốn của Bắc Kinh.
Tuyên bố về việc thành lập một sàn chứng khoán mới tại Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt các quy định pháp lý đối với các công ty tư nhân quy mô lớn. Trong gần 1 năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực tiết chế quyền lực và sức ảnh hưởng của những doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với nhiều rào cản về quy định pháp lý khi huy động vốn tại Mỹ. Giới chức Trung Quốc lo ngại việc công ty công nghệ của nước này niêm yết ở nước ngoài có thể dẫn đến rủi ro để lộ dữ liệu nhạy cảm của người dùng. Từ phía Mỹ, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường giám sát hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp Trung Quốc và yêu cầu họ cung cấp thông tin đầy đủ hơn về những rủi ro tiềm ẩn.
Trước đó, ngay giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã thành lập Sàn giao dịch STAR Market tại Thượng Hải vào năm 2019, nhằm thu hút đầu tư vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc và giúp quốc gia này có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với phương Tây về công nghệ. Kể từ đó, hơn 300 công ty công nghệ đã được niêm yết trên STAR Market, với tổng vốn hóa thị trường đạt hơn 4.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 728 tỷ USD).
Năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã thành lập một sàn giao dịch qua quầy (OTC) tại Bắc Kinh, với tên gọi Sàn giao dịch và định giá cổ phiếu Quốc gia (NEEQ). Sàn giao dịch này được biết đến rộng rãi với cái tên "sàn giao dịch thứ ba mới" ở Trung Quốc.
Thế nhưng, NEEQ đã tụt hậu so với hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến trong những năm gần đây khi cả quy mô và tính thanh khoản đều bị thu hẹp. Và ngày 2/9, ông Tập Cận Bình đã cam kết cải tổ hệ thống NEEQ.
Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) sau đó cho biết sàn giao dịch chứng khoán mới tại Bắc Kinh sẽ được xây dựng trên nền tảng NEEQ. Theo cơ quan này, những công ty được chọn từ NEEQ có thể đủ điều kiện để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mới.
Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đánh giá, sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh sẽ bổ sung cho hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đồng thời tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Cơ quan này cũng cho biết, hệ thống đăng ký IPO mà Trung Quốc thí điểm ở Thượng Hải 2 năm trước, sẽ được áp dụng cho các công ty muốn niêm yết trên sàn chứng khoán mới tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, hệ thống này đòi hỏi các công ty phải cung cấp thông tin nhiều hơn nữa về hoạt động của họ, để cải thiện tính minh bạch của thị trường và tinh gọn các quy trình xem xét cấp phép IPO.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận