Công ty Mỹ và EU phải đối mặt với chi phí 1.000 tỷ USD để di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc
Theo nghiên cứu của Bank of America, các công ty nước ngoài muốn di dời cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc có thể phải đối mặt với chi phí lên đến 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, ngân hàng lập luận rằng một động thái như vậy sẽ vẫn có lợi cho các công ty trong dài hạn.
Trước khi đại dịch xảy ra, cuộc khảo sát của Bank of America (BofA) đã cho thấy rằng các công ty đang chuyển dần khỏi xu hướng toàn cầu hóa và hướng tới cách tiếp cận bản địa hóa khi nói đến chuỗi cung ứng của họ.
Điều này là do một loạt các yếu tố tiêu cực đang đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm chiến tranh thương mại, lo ngại an ninh biên giới, biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của BofA, Candace Browning và nhóm của cô cho rằng đại dịch COVID-19 đã đảo ngược của một xu hướng kéo dài hàng thập kỷ trong ngành sản xuất. Giờ đây, các công ty Mỹ và châu Âu sẽ không còn lựa chọn Trung Quốc là điểm đến duy nhất nữa.
Báo cáo tiết lộ rằng đại dịch đã khiến 80% lĩnh vực toàn cầu đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc hơn 75% phải mở rộng quy mô kế hoạch tái cơ cấu hiện tại của họ.
Trong khi đó, khoảng 2/3 (67%) công ty tham gia cuộc khảo sát của BofA nghĩ rằng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là sự thay đổi chi phối nền kinh tế thế giới hậu COVID-19.
Theo Bank of America, các công ty đang vô cùng lo lắng về chi phí mà họ sẽ phải gánh chịu khi triển khai kế hoạch dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Điều này là có cơ sở, do các công ty này sẽ đánh mất lợi thế về chi phí, quy mô và một hệ sinh thái đầy tiềm năng mà Trung Quốc đã cố gắng xây dựng trong vài thập kỷ qua.
Các nhà phân tích cho biết điều này có thể làm giảm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty xuống 70 điểm cơ bản (bp) và tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do xuống 110bp.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do thường được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời và khả năng duy trì hoạt động hàng ngày của công ty. Điều này có nghĩa là các tác động tiêu cực sẽ là "đáng kể, nhưng không đáng lo ngại trong dài hạn", các nhà phân tích đề xuất.
BofA cho biết chính phủ các nước cần hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có thể bằng các biện pháp như giảm thuế, cho vay lãi suất thấp, trợ cấp... Mỹ, Nhật Bản, EU hay Ấn Độ đều đã có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Bank of America cũng nhận định rằng cổ phiếu của ngành kỹ thuật xây dựng và máy móc, tự động hóa và robot, sản xuất thiết bị điện và điện tử, phần mềm ứng dụng và nhiều dịch vụ tương tự sẽ tăng nhờ xu hướng này. Các ngân hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi nhờ những hoạt động kinh tế liên quan đến quá trình di dời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận