menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Triệu Thùy Dương

Công ty Hàn Quốc vội vã dự trữ nguyên vật liệu vì căng thẳng thương mại với Nhật Bản

Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc và các nhà cung ứng Nhật Bản đang vật vã đối phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn về các nguyên vật liệu liên quan tới bán dẫn của Nhật Bản – vốn có hiệu lực vào ngày thứ Năm (04/07), cố gắng vượt qua cơn sóng gió này bằng những điều chỉnh ngắn hạn như tăng cường dự trữ nguyên vật liệu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Tư (03/07) đã thừa nhận rằng quyết định nhắm vào ngành công nghiệp cốt lõi của Hàn Quốc là sự trả đũa cho việc Seoul không đưa ra hành động theo các phán quyết của tòa án liên quan đến lao động thời chiến. Nhưng động thái này có thể sẽ tác động tiêu cực tới các công ty Nhật Bản bằng cách buộc các công ty Hàn Quốc phải tìm kiếm các nguồn thay thế để nhập nguyên liệu.

Một cuộc tranh cãi đang âm ỉ giữa hai nước láng giềng – cả hai đều là đồng minh của Mỹ – giờ đã biến thành một cuộc xung đột kinh tế với những hậu quả thực sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn đứng bên lề mặc dù Washington cần cả hai nước cùng hợp tác về vấn đề an ninh khu vực.

Samsung Electronics đang dự trữ lượng nguyên vật liệu đủ cung ứng trong 1 tháng, trong đó bao gồm 3 nguyên vật liệu bị nhắm tới trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản, nguồn tin truyền thông Hàn Quốc cho biết. Trong khi đó, một nguồn tin từ SK Hynix cho rằng dự trữ của SK Hynix còn gần đủ ba tháng cung ứng. Cả hai đã vội vàng tăng dự trữ nguyên vật liệu để duy trì sản xuất.

Công ty Hàn Quốc vội vã dự trữ nguyên vật liệu vì căng thẳng thương mại với Nhật Bản

“Chúng tôi đã yêu cầu các nhà cung ứng Nhật Bản gửi cho chúng tôi nhiều hàng tồn kho nhất có thể trước ngày thứ Năm (04/07)", một nguồn tin SK Hynix cho biết.

LG Display thường nhập nguồn khí khắc (etching gas) của Nhật Bản thông qua một công ty trung gian của Hàn Quốc để sản xuất màn hình tinh thể lỏng. Họ đang theo dõi chặt chẽ lượng hàng tồn kho tại công ty trung gian, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.

Có hiệu lực trong ngày thứ Năm (04/07), Nhật Bản đang yêu cầu phê duyệt từng trường hợp xuất khẩu sang Hàn Quốc về chất resist – một loại chất phủ; khí khắc và fluorinated polyimide – vốn được sử dụng để sản xuất màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ linh hoạt (OLED). Mỗi đợt đánh giá dự kiến sẽ mất khoảng 90 ngày.

Hàn Quốc phụ thuộc vào Nhật Bản để nhập khẩu hơn 90% nguồn cung chất resist và fluorinated polyimide, cũng như một phần lớn khí khắc. Nước này đã nhập khẩu 144 triệu USD ba nguyên vật liệu này trong 5 tháng đầu năm 2019, theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA).

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước trong trường hợp xung đột tiếp tục trong dài hạn. Trong các cuộc tham vấn hôm thứ Tư (03/07) với Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc, họ cho biết sẽ phân bổ 1 ngàn tỷ Won (tương đương 857 triệu USD) mỗi năm để giúp các nhà sản xuất vật liệu và thiết bị sản xuất chip trong nước.

Seoul cũng đã bắt đầu chuẩn bị khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Đây rõ ràng là một biện pháp trả đũa không hợp lý và trái với lẽ thường", Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói tại một cuộc họp Quốc hội hôm thứ Tư (03/07), theo Yonhap News Agency.

Nằm trung tâm của tranh chấp là các phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Hàn Quốc trong việc yêu cầu nhiều công ty Nhật Bản trả tiền cho người Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho họ trong Thế chiến II. Lập luận rằng bất kỳ khiếu nại nào phát sinh từ vấn đề này đã được giải quyết vào năm 1965, Tokyo đã kêu gọi Seoul can thiệp.

“Cả hai quốc gia đã từ bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hiệp ước năm 1965 của chúng tôi", ông Abe nói hôm thứ Tư (03/07) tại một sự kiện do Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản tổ chức. "Đây là những gì xảy ra khi những lời hứa giữa các quốc gia không được tôn trọng."

“Chúng tôi sẽ không cấp cho Hàn Quốc ưu đãi thương mại như chúng tôi đã làm trước đây khi mà họ không thực hiện lời hứa", ông nói thêm.

Nhưng bây giờ các nhà cung cấp Nhật Bản cũng đang vật lộn với hậu quả từ các biện pháp hạn chế xuất khẩu này. Tokyo Ohka Kogyo, công ty sản xuất chất resist, lo lắng rằng quy trình phê duyệt xuất khẩu sẽ trở nên phức tạp hơn đáng kể.

"Chúng tôi sẽ phải xem xét xuất khẩu từ nhà máy của chúng tôi ở Singapore", Stella Chemifa, nhà sản xuất khí khắc có trụ sở tại Osaka, cho biết.

Một số doanh nghiệp đã nhận được rất ít thông tin về những thủ tục sàng lọc khó khăn hơn và đang cố gắng xác định chính xác họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Hầu hết đều dự báo tác động sẽ không lớn. "Có một sự khác biệt lớn về chuyên môn giữa các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc khi nói đến các vật liệu liên quan đến chip", một người trong ngành nói.

Ngay cả khi các sản phẩm của Nhật Bản không thể dễ dàng được thay thế ngay tại thời điểm này, Hàn Quốc có thể tăng cường khả năng của chính mình với sự hỗ trợ của Chính phủ. Vẫn chưa rõ ai sẽ là “người chiến thắng” trong cuộc xung đột này (nếu có).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại