Công ty GS E&C Hàn Quốc liệu có “xù” nhà thầu phụ? | Bạn đọc
Thay đổi bản vẽ kỹ thuật của gói thầu nghĩa là khối lượng công việc và nhiều thứ khác sẽ thay đổi. Tuy nhiên, tại gói thầu số 2 tuyến đường sắt trên cao Metro Bến Thành – Suối Tiên Thành phố Hồ Chí Minh do nhà thầu phụ Công ty GS E&C Hàn Quốc thực hiện lại không chấp nhận nguyên tắc trên. Công ty này không thay đổi giá gói thầu, dù khối lượng công việc theo bản vẽ mới thay đổi tới 70%.
Chất lượng, khối lượng mới nhưng giá phải… cũ
Trong buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam –LITHACO, ông Trần Quốc Tâm cho biết, bản vẽ kỹ thuật được phê duyệt chính thức vào tháng 11/2019 khiến cho khối lượng công việc thay đổi đến 70% so với bản vẽ kỹ thuật tạm do Công ty GS E&C đưa ra khi ký hợp đồng năm 2017.
Điển hình, nếu trong bản vẽ kỹ thuật tạm, “phần cáp điện được yêu cầu là vỏ PPC thì trong bản vẽ kỹ thuật chính thức, loại vỏ này phải đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn khác về chất lượng hoặc cáp điện 1 vỏ được điều chỉnh thành cáp điện 2 vỏ”...
“Để kịp tiến độ và đảm bảo thi công đúng theo bản vẽ kỹ thuật chính thức, từ tháng 11/2019, LITHACO đã nhiều lần đệ trình bảng dự toán mới. Trong đó, khoảng 70% hạng mục, khối lượng công việc trong bản vẽ kỹ thuật tạm (năm 2017) không còn nằm trong bản vẽ kỹ thuật chính thức, đã được LITHACO trình theo đơn giá năm 2019, phần còn lại được 2 bên thỏa thuận giữ nguyên theo đơn giá 2017. Tuy nhiên, sau đó, Công ty GS E&C ép chúng tôi phải trình lại toàn bộ bảng dự toán mới này theo giá vật tư năm 2017 thì Công ty GS E&C mới đồng ý ký duyệt.” – Ông Tâm bức xúc.
Cũng theo ông Tâm, phía Công ty GS E&C chưa đồng ý ký duyệt bảng dự toán mới do công ty ông đề xuất. Không hiểu vì lý do gì, từ tháng 11/2019 đến 4/2020 Công ty GS E&C liên tục dùng sức ép về tiến độ yêu cầu LITHACO nhập vật tư (chủ yếu là cáp điện) theo dự toán tạm. Trong khi những vật tư này không còn phù hợp để thi công theo bản vẽ kỹ thuật chính thức.
“Để không vi phạm hợp đồng, chúng tôi đành chấp nhận nhập 1 phần vật tư của bảng dự toán tạm theo yêu cầu của Công ty GS E&C. Song song đó, để đảm bảo tiến độ dự án, LITHACO nhập thêm một số vật tư theo bản vẽ kỹ thuật chính thức được duyệt năm 2019.” – Ông Tâm phân tích.
Liệu có “xù” tiền nhà thầu phụ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Tâm cho biết, hiện tại LITHACO đang yêu cầu Công ty GS E&C thanh toán toàn bộ khối lượng công việc mà công ty ông đã thi công ở kỳ thứ 18 và vật tư chưa sử dụng. Tổng giá trị thanh toán khoảng 11 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tâm, mặc dù khối lượng công việc mà LITHACO thi công tại dự án đã được đơn vị tư vấn NJPT và Công ty GS E&C ký nhận, lẽ ra đã đủ điều kiện thanh toán. Nhưng bộ phận Kế hoạch của Công ty GS E&C lại không chịu ký nhận để thanh toán. Giải thích cho việc không thanh toán này, phía Công ty GS E&C đưa ra nhiều lý do mà phần thiệt luôn nghiêng về phía LITHACO.
Cụ thể, Công ty GS E&C cho rằng, LITHACO không đồng ý nhập vật tư theo bảng dự toán tạm như đã được yêu cầu, dẫn đến việc chậm trễ tiến độ thi công. Ngoài ra, theo nhà thầu phụ cấp 1, nhiều vật tư như ống luồng dây điện bằng sắt, thang máng điện… đã bị LITHACO làm thất thoát do mất cắp.
“Công ty GS E&C lấy lý do này để không ký thanh toán kỳ thứ 18 cho chúng tôi là một điều vô lý. Việc mất cắp không thể nói rằng Công ty GS E&C không có trách nhiệm, vì từ bảo vệ kho vật tư cho đến bảo vệ công trình đều là người của Công ty này. Họ bảo vệ rất chặt chẽ 24/24. Các kho chứa vật tư thi công do Công ty GS E&C giữ chìa khóa và cấp, phát cho LITHACO thi công. Những loại vật tư này rất cồng kềnh, rất khó vận chuyển. Mỗi lần xuất kho đều phải có giấy tờ giao nhận theo kế hoạch, ghi rõ khu vực sử dụng, khối lượng và phải có chữ ký các bên.” – Ông Tâm quả quyết.
Liên quan đến sự việc này, phía LITHACO còn cho biết, trước khi chấm dứt hợp đồng, LITHACO cung cấp danh sách vật tư trong kho cho Công ty GS E&C. Đến giữa tháng 7, LITHACO và Công ty GS E&C xác nhận lại khối lượng thực tế trước khi Công ty GS E&C giao nhà thầu cấp 2 mới, thì khối lượng vật tư bị thất thoát khoảng 300 - 400 triệu đồng. LITHACO có làm công văn yêu cầu Công ty GS E&C giải thích nhưng không nhận được phản hồi.
“Nếu Công ty GS E&C đổ lỗi cho LITHACO gây mất cắp thì công việc này phải được tính vào giai đoạn kết toán (quyết toán) công trình. Nhưng trong lúc này, Công ty GS E&C lại lấy cớ này làm một trong những lý do cáo buộc và dừng thanh toán kỳ thứ 18 cho LITHACO là cố tình ép LITHACO.” – Ông Tâm phân tích.
Ông Tâm còn cho biết, Công ty GS E&C liên tục đưa ra nhiều lý do để không thanh toán tiền. Điển hình, đối với một số khối lượng vật tư theo bản vẽ kỹ thuật mới mà LITHACO đã nhập trong kỳ 18, phía Công ty GS E&C không đồng ý thanh toán vì cho rằng bảng dự toán mới của LITHACO chưa được chấp thuận bởi Công ty GS E&C.
Đến thời điểm hiện tại, sự việc vẫn chưa được các bên thống nhất. Tuy nhiên, ngay sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với LITHACO, Công ty GS E&C đã gọi đơn vị thầu phụ cấp 2 khác để tiếp tục thi công chồng lấn lên những hạng mục mà LITHACO đã làm trước đó. Cũng theo LITHACO, việc Công ty GS E&C sử dụng bản vẽ thi công do LITHACO lập khi chưa có sự đồng ý của LITHACO là điều không thể chấp nhận được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận