24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công ty của ông Donald Trump tổn thất gì khi bị cáo buộc hình sự

Các cáo buộc hình sự về tội gian lận thuế nhằm vào công ty Trump Organization của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/7 là đòn giáng mạnh vào một doanh nghiệp đang lao đao vì các giao dịch bị hủy bỏ sau vụ bạo loạn Tòa nhà Quốc hội và tác động của đại dịch COVID-19.

Bản cáo trạng có thể khiến ông Trump gặp khó khăn hơn trong việc ký các hợp đồng mới, vay vốn ngân hàng để mang lại nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh đang nợ nần và ngổn ngang của ông.

Bản thân cựu tổng thống không bị các công tố viên buộc tội, nhưng cuộc điều tra còn đang tiếp diễn. Dưới đây là những thách thức mà Trump Organization phải đối mặt, theo hãng tin AP:

Trump Organization hoạt động kinh doanh gì

Trump Organization là một thực thể kinh doanh bao gồm hàng trăm công ty nhỏ và các quan hệ đối tác sở hữu hoặc quản lý rất nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn, tháp dân cư, câu lạc bộ golf, quyền xây dựng thương hiệu, giao dịch cấp phép và các tài sản khác ở khắp nơi trên thế giới.

Những người chia sẻ quyền quản lý hoạt động kinh doanh đa dạng này của Trump Organization bao gồm hai người con trai lớn của ông Trump, Donald Jr. và Eric Trump, đều là Phó chủ tịch, và Allen Weisselberg, Giám đốc tài chính (CFO) hiện đang bị truy tố.

Những cáo buộc mà Trump Organization đối mặt

Một cáo trạng của bồi thẩm đoàn đã cáo buộc Trump Organization âm mưu giúp các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty trốn thuế bằng cách không báo cáo các khoản đền bù như sử dụng miễn phí căn hộ, xe hơi, các hóa đơn học phí hoặc bồi hoàn cho chi phí cá nhân.

Cả công ty và CFO Weisselberg, một trong những quản lý trung thành và lâu năm nhất của ông Trump, đều không nhận tội. Trump Organization tuyên bố cả công ty và ông Weisselberg đều không làm gì sai trái và cho rằng những cáo buộc nhằm vào họ mang động cơ chính trị.

CFO Weisselberg cũng bị cáo buộc gian lận thuế của bản thân bằng cách ngụy tạo rằng nơi cư trú toàn thời gian của ông ta là tại New York City, nơi ông phải chịu thuế thu nhập của thành phố.

Công ty của ông Donald Trump tổn thất gì khi bị cáo buộc hình sự
CFO Weisselberg (người ngồi) tại tòa án ở New York ngày 1/7/2021. Ảnh: AP

Vai trò hiện tại của cựu Tổng thống Trump trong công ty

Ông Trump đã rút khỏi những vị trí đã nắm giữ tại hàng trăm thực thể thuộc Trump Organization ở trên 20 quốc gia trước khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ 4 năm trước.

Quyết định đó nằm trong nỗ lực xóa bỏ lo ngại rằng ông sẽ sử dụng quyền lực tổng thống để làm lợi cho công ty của mình. Vào thời điểm đó ông Trump đã thiết lập các quỹ tín thác để giữ tài sản của công ty và chuyển giao dần quyền kiểm soát cho hai người con trai lớn và ông Weisselberg.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn là chủ sở hữu duy nhất hoặc sở hữu chính với hàng trăm công ty con và có thể thu lợi nhuận từ chúng bất kỳ lúc nào. Gần đây ông đã quay trở lại văn phòng cũ tại Tháp Trump trên Đại lộ số 5 của New York City, nhưng không rõ ông đã nắm lại bao nhiêu phần trong vai trò điều hành trước đây.

Liệu những cáo buộc có làm tổn hại đến năng lực kinh doanh của công ty?

Nếu Trump Organization bị kết tội, công ty sẽ phải nộp khoản tiền phạt gấp đôi so với lượng tiền thuế đã trốn, là 250.000 USD. Công ty cũng có thể phải thay đổi cách hoạt động.

Nhưng ngay cả khi không bị kết tội, bản cáo trạng nhằm vào Trump Organization cũng có thể gây ra một số vấn đề.

“Những công ty đang bị cáo buộc hình sự, dù là doanh nghiệp tư hay công, lớn hay nhỏ, đều đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về tài sản thế chấp”, ông Daniel Horwitz, luật sư tại McLaughlin and Stern và là cựu công tố viên tại văn phòng chưởng lý quận Manhattan, cho biết.

Chuyên gia Daniel nhận định, “các công ty trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính sẽ không muốn làm ăn với họ. Việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế hoặc cắt đứt, tương tự như vậy là năng lực tiếp cận các tài sản thanh khoản của họ với các ngân hàng và bên trung gian”.

Điều gì xảy ra với những công ty khác bị truy tố hình sự

Công ty kế toán khổng lồ Arthur Andersen đã mất hoạt động kinh doanh kiểm toán sau khi bị cáo buộc hình sự liên quan đến tập đoàn Enron và cuối cùng đã phải sa thải hàng ngàn nhân viên. Năm 2005, Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược những cản trở tư pháp với Arthur Andersen nhưng lúc này đã quá muộn và công ty đã sụp đổ.

Các công ty khác chịu tổn thất nặng nền bởi các cáo buộc hình sự còn bao gồm “người khổng lồ” kinh doanh trái phiếu rác hồi thập niên 1980 Drexel Burnham Lambert, Quỹ đầu cơ khổng lồ một thời SAC Capital và tập đoàn dầu khí BP – từng phải trả hàng tỉ USD do những cáo buộc hình sự liên quan đến vai trò trong vụ nổ giàn khoan dầu, gây thảm họa môi trường ở Vịnh Mexico.

Công ty của ông Trump có thể bị tổn hại gì?

Trump Organization có thể sẽ khó khăn hơn trong tìm kiếm các hợp đồng đưa thương hiệu Trump lên các tòa nhà hoặc sản phẩm; khó khăn trong thu hút các giải đấu tới sân golf của họ và tiếp cận vốn ngân hàng.

Trump Organization có thể sẽ chống chịu được với những đòn giáng. Đó là một công ty hoạt động rộng, nhưng các hoạt động kinh doanh của họ lại đơn giản, chủ yếu là “sau hậu trường”: Điều hành các sân golf và khách sạn, thu tiền từ các công ty thuê văn phòng và thu phí cấp phép cho các tòa nhà, các công trình sử dụng thương hiệu Trump.

Mặc dù một số công ty đã sụp đổ sau khi bị cáo buộc hình sự, số khác vẫn sống sót, trong đó có Bank of America, từng bị cáo buộc hình sự vì hành vi cho vay thế chấp bất cẩn.

Một số công ty bị cáo buộc hình sự thậm chí còn phát triển tốt sau đó, như người khổng lồ dược Bristol-Myers Squibb, bị cáo buộc gian lận kế toán; và tập đoàn tài chính JPMorgan Chase & Co., bị cáo buộc liên quan đến vụ lừa thế kỷ của Bernard Madoff. Cổ phiếu của cả ba công ty này đều đang ở mức cao nhất hoặc gần nhất mọi thời đại

Kế hoạch kinh doanh tương lai của cựu Tổng thống Trump

Ông Trump chưa tiết lộ, nhưng đã có một số động thái. Các chuyên gia về thương hiệu cho rằng công ty có thể vẫn sử dụng sự nổi tiếng của cựu Tổng thống để đạt được các hợp đồng cấp phép thương hiệu trên khắp thế giới. Trong những năm thành công với serie truyền hình “The Apprentice”, ông Trump đã ký nhiều hợp đồng đưa thương hiệu của mình lên comple, cà vạt, thịt bò và các tháp dân cư ở Las Vegas, Chicago và New York.

Thương hiệu Trump đã bị tổn hại phần nào bởi những lời lẽ và lập trường gây tranh cãi của ông. Hiện không rõ nỗ lực cấp phép thương hiệu trong giai đoạn mới sẽ thành công đến mức nào.

Thời kỳ ông Trump còn ở Nhà Trắng, các khách sạn và tháp dân cư tại nhiều thành phố đã gỡ bỏ tên ông. Trump Organization đã phải hủy bỏ các kế hoạch kinh doanh chuỗi khách sạn mới do các đối tác tiềm năng không còn quan tâm.

Tai hại nhất là cáo buộc ông Trump kích động cuộc bạo loạn tại Nhà Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 1. Các nhà trung gian bất động sản, bên cho vay và nhiều đối tác kinh doanh khác đã cắt đứt quan hệ sau vụ việc.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả