Công ty chứng khoán "lái" dòng tiết kiệm về kênh chứng khoán
Khối công ty chứng khoán cung ứng nhiều loại sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp kèm theo các gói thanh khoản, các kỳ hạn thực hiện cam kết giao dịch mua lại, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhà đầu tư là tối ưu hóa nguồn vốn.
Khi vay cầm cố sổ tiết kiệm không còn dễ
Cuối tháng 8 năm ngoái, anh N.T, nhà đầu tư giao dịch chứng khoán lâu năm đến ngân hàng V. để làm hợp đồng vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm, một hình thức rút tiền trước hạn mà không bị thiệt quá lớn về lãi suất mà anh đã làm nhiều lần theo tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Lần này, anh được yêu cầu làm “phương án sử dụng vốn kiêm hợp đồng cầm cố, kiêm giấy nhận nợ”, với mục đích vay vốn là “phục vụ nhu cầu đời sống”.
Hơn một tuần sau, báo chí đưa tin về việc Ngân hàng Nhà nước cảnh báo hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm, nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Việc này vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Nhà quản lý yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng quy định cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, nhằm hạn chế việc khách hàng rút tiền gửi sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như anh N.T không thích thủ tục rườm rà, nhất là khi anh cần chuyển tiền ngay vào tài khoản giao dịch chứng khoán để đặt lệnh mua.
Vì thế, anh đã chuyển cả mấy tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng về tài khoản công ty chứng khoán và bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty chứng khoán bán kèm theo cam kết mua đảm bảo về thanh khoản.
Tuy lãi suất của sản phẩm này không cao đến 10-12%/năm như trái phiếu doanh nghiệp thông thường, nhưng lại hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm.
Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất gửi tiết kiệm 1 tháng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là 3,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,8%/năm.
Trong khi lãi suất đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán VPS kỳ đầu tư 1 - 7 ngày là 3%/năm; từ 8 - 14 ngày là 3,35%/năm; 9 - 29 ngày là 4,35%/năm; 30 - 59 ngày là 5,3%/năm.
Sản phẩm D-bond của Công ty Chứng khoán VN Direct công bố lãi suất là 6,8%/năm với kỳ hạn 3 tháng; 8,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Giá trị đầu tư càng lớn sẽ được cộng thêm lãi suất.
Với khẩu vị đầu tư ưu tiên an toàn, Công ty Chứng khoán HSC phát triển sản phẩm Active Bond có thanh khoản đảm bảo, lãi suất thực tế cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn từ 0,2 - 0,8%/năm, tùy kỳ hạn từ 1 ngày, 1 tháng hay 3 tháng.
Tại Công ty Chứng khoán TCBS, “chợ” trái phiếu có nhiều hàng, với trái phiếu của CTCP Vinpearl, CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc… Lãi suất từ 7,39-8,45%/năm, số tiền đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy vào từng loại trái phiếu.
Nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán chia sẻ quan điểm rằng, chính các quy định chặt chẽ hơn về vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm là cơ hội để khối công ty chứng khoán đẩy mạnh phát triển sản phẩm trái phiếu. Sản phẩm có các kỳ hạn ngắn, linh hoạt đáp ứng tốt nhu cầu luân chuyển tiền và tối ưu hóa lợi ích cho nhà đầu tư.
“Chợ” trái phiếu nhiều lựa chọn
Ngoài lãi suất cao, một trong những lý do khiến sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp do công ty chứng khoán thiết kế kèm theo kỳ hạn đầu tư linh hoạt hấp dẫn là giao dịch thuận lợi và dễ dàng chuyển tiền giữa tài khoán chứng khoán và tài khoản trái phiếu, thông qua nền tảng giao dịch trực tuyến của các công ty chứng khoán.
Nhà đầu tư chỉ cần click chuột, chạm màn hình điện thoại vài cái là có thể chuyển tiền mua trái phiếu.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tiết kiệm thấp dần, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn có thể hút dòng tiền không chỉ của nhà đầu tư chứng khoán mà cả tiền tiết kiệm.
Quan sát trên thị trường cho thấy, có hai nhóm sản phẩm là phân phối trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn trung, dài hạn, lãi suất cao và sản phẩm trái phiếu kèm theo gói kỳ hạn ngắn, lãi suất thấp hơn.
TCBS, VPS là những tên tuổi phát triển sản phẩm trái phiếu mạnh mẽ, một phần nhờ lợi thế có ngân hàng đứng sau.
Thời gian đầu, các công ty này chỉ nhắm đến khách hàng lớn có nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng hiện nay, các khách hàng nhỏ, các khách hàng là nhà đầu tư chứng khoán được quan tâm đặc biệt, khi các gói sản phẩm kỳ hạn ngắn được thiết kế với khoản đầu tư từ 1 triệu đồng.
Ông Nhâm Hà Hải, Phó tổng giám đốc TCBS cho biết, các trái phiếu thông thường có kỳ hạn từ 2 - 5 năm trong khi số nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư từ 12 tháng trở xuống rất đông đảo. Tại TCBS, nhà đầu tư có thể giao dịch dễ dàng, bán được trái phiếu khi cần cho nhà đầu tư khác thông qua dịch vụ môi giới iConnect của TCBS.
Điểm đáng lưu ý là, các công ty chứng khoán có thể làm nhà tư vấn, phát hành cho nhiều doanh nghiệp, nhưng việc lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp nào để đưa lên giao dịch trên “chợ” trái phiếu của mình thì không dễ. Lý do là phải đi kèm cam kết tạo lập thanh khoản, dễ mua, dễ bán và lợi ích cho nhà đầu tư.
Ông Phan Tùng Lâm, Trưởng phòng cao cấp kinh doanh sản phẩm tài chính SSI chia sẻ, để đưa vào giao dịch trên Sbond, các trái phiếu đều phải trải qua quy trình thẩm định và phê duyệt chặt chẽ.
Chất lượng quản trị của doanh nghiệp phát hành, khả năng quản lý thanh khoản, khả năng trả được nợ đến tài sản đảm bảo được đánh giá kỹ lưỡng.
Trong khi TCBS bán trái phiếu của tập đoàn có tên tuổi thì HSC chọn trái phiếu của ngân hàng lớn. Còn VPB bán trái phiếu của những doanh nghiệp ít người biết tới hơn như Bông Sen, Shunshine, Shunrise, Yamagata, Ataka… nhưng đều có tài sản đảm bảo.
Sản phẩm trái phiếu Abond của MBS chọn trái phiếu doanh nghiệp Novaland, FLC Group, Hải Phát Invest, Kinh Bắc, Sun Group… với lợi suất đầu tư lên đến 9,1%/năm.
Tại TCBS, tổng giá trị trái phiếu iBond đang sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân lên tới 55.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giá trị trái phiếu mà khách hàng bán lại qua dịch vụ môi giới iConnect trung bình khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng.
Lý do các công ty chứng khoán phải chọn lựa kỹ sản phẩm để đưa lên “chợ” của mình là, khi đã đưa ra mức lãi suất hay gói cam kết thanh khoản cho nhà đầu, công ty chứng khoán đã nhận về mình phần nào rủi ro nếu nhà phát hành gặp vấn đề về trả nợ, về kết quả kinh doanh hay dòng tiền.
Trên lý thuyết, khi hết kỳ hạn cam kết, nhà đầu tư sẽ giao dịch bán trái phiếu trên hệ thống giao dịch trực tuyến để nhận vốn và lãi đầu tư.
Trong khi nếu đầu tư trái phiếu không có cam kết, nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất cao hơn nhưng rủi ro giá, thanh khoản có thể xảy ra trong tình huống xấu khi tổ chức phát hành gặp khó khăn.
Do tính chất kỳ hạn dài của trái phiếu (thường 2 - 5 năm), nên những rủi ro từ tổ chức phát hành chưa lộ diện.
Thị trường trái phiếu vì thế đang rất sôi động và an toàn cho nhà đầu tư khi giao dịch mới diễn ra trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư với nhau, hoặc giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, dòng tiền đầu tư đổ vào sản phẩm trái phiếu thông qua chợ của các công ty khá lớn.
Tại TCBS, với tổng giá trị trái phiếu iBond đang sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân lên tới 55.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giá trị trái phiếu mà khách hàng bán lại thành công cho khách hàng khác qua dịch vụ môi giới iConnect đạt con số trung bình khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng.
Tại các công ty chứng khoán khác, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phân phối qua kênh này cũng từ vai trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận