Công ty chứng khoán đã lỗ do đầu tư vào chứng khoán như thế nào?
Sau khoảng thời gian tăng nóng và bùng nổ lợi nhuận ở năm 2021, sang năm 2022 thị trường chứng khoán đã bị điều chỉnh mạnh và giảm sâu, khiến nhiều công ty chứng khoán cũng bị lỗ nặng do hoạt động mua bán chứng khoán.
Sau khi lập đỉnh lịch sử vào hồi đầu năm (ngày 6-1, với 1.528,57 điểm), chỉ số VN-Index đã giảm hơn 333 điểm. Trong khoảng thời gian đó, riêng vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng bị "bốc hơi" hơn 1,2 triệu tỉ đồng.
Giữa lúc thị trường đỏ lửa, không chỉ những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị thua lỗ, đến nay chưa thể "về bờ", nhiều công ty chứng khoán cũng bị lỗ nặng với hoạt động tự doanh - mua bán chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính vừa được Chứng khoán APEC (mã APS) công bố, chỉ riêng trong quý 2-2022 công ty đã lỗ tới 474 tỉ đồng từ hoạt động tự doanh. Sau khi cộng trừ các khoản thu nhập và chi phí khác, tổng kết quý doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế gần 363 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 9.330% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Lăng - tổng giám đốc Chứng khoán APEC - thừa nhận kết quả kinh doanh thụt lùi phần lớn do hoạt động tự doanh chứng khoán gây nên.
Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam), API (Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương), NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa), PHC (Xây dựng Phục Hưng Holdings), CEO (Tập đoàn C.E.O)...
Ở Công ty CP chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã ORS, một thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank), kết quả kinh doanh quý 2 cũng không kém phần ảm đạm.
Mặc dù doanh thu hoạt động trong quý tăng lên mốc 660 tỉ đồng (+132% so với cùng kỳ năm trước), cả lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng, song doanh nghiệp cho biết do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm, nên doanh thu mảng môi giới bị giảm theo (-27% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn xấp xỉ 18 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, việc phải cắt lỗ hàng loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư cũng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) gần 528 tỉ đồng (+488%).
Danh mục đầu tư của Chứng khoán Tiên Phong gồm có SSI (Chứng khoán SSI), VND (Chứng khoán VNDirect), HCM (Chứng khoán TP.HCM), HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), BCG (Bamboo Capital)...
Tổng kết quý 2, doanh nghiệp gánh khoản lỗ ròng sau thuế gần 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi hơn 54 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, Chứng khoán Tiên Phong gặt hái được tổng doanh thu gần 1.430 tỉ đồng (+164%), song lợi nhuận sau thuế chỉ còn xấp xỉ 93 tỉ đồng (-39%).
Trong lúc thị trường chứng khoán thuận lợi, thanh khoản bùng nổ, quý 2 năm trước Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mang về khoản lãi ròng sau thuế gần 149 tỉ đồng. Tuy nhiên niềm vui không kéo dài lâu, sang quý 2 năm nay công ty này báo lỗ ròng gần 234 tỉ đồng.
Giải trình với cơ quan quản lý, ông Lê Minh Hiền - phó tổng giám đốc của Rồng Việt - cho biết diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi đã "ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới".
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty chứng khoán này bị lỗ ròng sau thuế 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỉ đồng.
Rổ danh mục đầu tư của Rồng Việt gồm CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), DBC (Dabaco)...
Nguồn: Internet
Nhận định cá nhân: Không một chuyên gia nào có thể nói chắc chắn ngày mai thị trường tăng hay giảm, cho nên chúng ta có lẽ cần phải đặt ra một nguyên tắc giao dịch kỉ luật riêng của mình. Thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế, nên khi các tin tốt đã ra hết, có lẽ những yếu tố kì vọng về cổ phiếu đã được phản ánh hết vào giá, và là lúc chúng ta có thể chốt lời dần. Dòng tiền của tài phiệt luôn rất nhanh nhạy đối với thị trường, khi dollar tăng giá, dòng tiền chảy vào dollar, FED tiếp tục nâng lãi suất, sức mạnh của đồng dollar càng gia tăng. Các loại tài sản khác, bao gồm cả thị trường chứng khoán có lẽ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Tháng 9 này có lẽ sẽ có một đợt điều chỉnh đối với chỉ số VN-Index và sau đó hy vọng chúng ta có một đà tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm nay, tạo tiền đề cho sự bứt phá trong 3 năm tiếp theo.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận