24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đồng Khoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công trình không phép trên đèo Mã Pí Lèng: Chính quyền biết nhưng không “thổi còi”!

Sự xuất hiện của tòa nhà xây dựng trái phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), cũng như hàng trăm “biệt phủ” trái phép khác đang sừng sững tồn tại trên các đỉnh núi, những vị trí đặc biệt, khu vực danh thắng quốc gia, vốn là nơi không được phép xây dựng trên khắp cả nước, cho thấy một thực tế đáng buồn là pháp luật đã và đang bị xem thường trong sự vô cảm, thực dụng của chủ đầu tư và sự buông lỏng hoặc “cố tình” buông lỏng của chính quyền địa phương.

Không phép nhưng “thản nhiên” tồn tại

Dư luận cả nước đang bàn luận xôn xao về công trình khu nhà nghỉ bảy tầng kiên cố (được chủ nhân đặt tên là nhà nghỉ, nhà hàng Panorama) xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đây là khu vực được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Dù vị trí tòa nhà được xác định nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II, nhưng rõ ràng sự tồn tại của nó ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.

Chính quyền địa phương xác định công trình này chưa được cấp phép nhưng lại không giải thích vì sao một công trình lớn, với quá trình xây dựng và vận chuyển vật liệu diễn ra liên tục trong nhiều tháng, mà không bị “thổi còi”. Chủ đầu tư, một người địa phương, thì nói khu nhà được xây dựng do lãnh đạo huyện, tỉnh “động viên”!

Theo quy định, mọi công trình xây dựng đều phải có giấy phép. Ngoài ra, nếu xây vì mục đích kinh doanh và có công năng lưu trú, thì chủ đầu tư phải có dự án đầu tư và thẩm định về điều kiện an toàn, vệ sinh.

Như vậy, “nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” đã được xây dựng mà không có giấy phép, trong bối cảnh cơ quan chức năng địa phương biết nhưng lại không ngăn cản, xử lý theo quy định và theo đúng trách nhiệm của mình.

Đáng nói là những công trình không phép như thế này không phải hiếm hoi, mà ngày càng phổ biến tại những khu đất có cảnh quan hùng vĩ, vị trí đẹp nhất và vốn là những nơi được bảo tồn nghiêm ngặt, không quy hoạch cho mục đích ở, không cấp phép xây dựng. Có thể kể ra như: khu biệt phủ ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc); những biệt phủ trái phép trên đèo Hải Vân (Đà Nẵng), vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), Phú Thọ, Daklak, Đồng Nai...

Điểm chung, những công trình trái phép ấy, dù các chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm sai phạm, hậu quả, ảnh hưởng... nhưng việc xử lý, tháo dỡ dù pháp luật đã quy định rõ, có vẻ như quá khó khăn!

Trong khi đó, những công trình “tý hon” của người nghèo, thì bị xử lý rất “nghiêm”, như vụ người dân xây chuồng gà ở Cao Bằng vài năm trước bị buộc phải tháo dỡ với lý do xây dựng không phép!

Từ lâu, nhiều người nói cứ có quan hệ và tiền thì có thể “bóp méo” được pháp luật. Sự tồn tại của những công trình như tòa nhà trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng phải chăng là ở trong trường hợp này?

Giữ gìn thiên nhiên là giữ “kho vàng”

Để phát triển đất nước tất yếu phải có đầu tư, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp, cá nhân phải được tạo điều kiện và cơ hội phát huy tiềm lực, khả năng của mình... Đó là điều không có gì phải bàn cãi.

Hệ thống pháp luật hiện tại thực chất không cản trở việc làm giàu chân chính, không cấm đoán những ý tưởng táo bạo, mô hình kinh doanh đột phá...

Tuy nhiên, đối với tài sản là đất đai, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là những danh thắng tầm quốc gia, quốc tế, có thể nói chúng là vô giá và có giới hạn. Chúng ta không thể tạo thêm được một cao nguyên đá Đồng Văn, hay một vịnh Hạ Long nào khác. Nếu hôm nay chúng ta phá vỡ, làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, di tích, thì hầu như sẽ vô phương cứu vãn, không thể nào quay lại được nữa.

Mặt khác, khi xã hội càng phát triển, dân số càng đông đúc, thì giá trị của những cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đặc biệt như vậy lại càng quý hiếm. Đó thực sự là những “kho vàng” để mỗi quốc gia có thể thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu ổn định, tạo công ăn việc làm... cho nhiều người, nhiều thế hệ.

Chính vì vậy, việc quy hoạch, cấp phép, đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc, kinh doanh nói chung tại các khu cảnh quan thiên nhiên, danh thắng, vườn quốc gia... phải hết sức cân nhắc, bảo đảm giữ gìn, hài hòa. Trên hết là bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực, cảnh quan, đem lại giá trị bền vững và lợi ích cho toàn xã hội, địa phương, chứ không phải là dựng hàng rào, biến thành những khu riêng biệt chỉ dành cho những người giàu.

Pháp luật không cho phép công trình trái pháp luật tồn tại

Theo quy định tại Nghị định 139/2017, mọi công trình xây dựng không phép đều là vi phạm, bắt buộc chủ đầu tư phải bổ sung giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày. Nếu sau thời hạn đó không được cấp phép, thì phải tháo dỡ công trình. Nói khác đi, hiện nay pháp luật không cho phép và chấp nhận tình trạng công trình không phép được tồn tại như một sự đã rồi, sau khi đóng phạt theo kiểu “gãi ngứa” như trước đây.

Dư luận số đông đều cho rằng phải dỡ bỏ nhà nghỉ, nhà hàng Panorama vì đây là công trình không phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể cho tồn tại, với một số chỉnh sửa cho phù hợp, vì đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Thậm chí có ý kiến so sánh công trình này với việc đầu tư xây dựng các công trình khách sạn trên cao nguyên Genting ở Malaysia!

Tôi cho rằng so sánh như vậy là đã bỏ qua pháp luật và hoàn toàn khập khiễng. Là người đã trực tiếp tham quan khu cao nguyên Genting, tôi thấy Genting hoàn toàn khác với cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và độc đáo.

Thực chất đây là một vùng đất cao gần thủ đô và Chính phủ Malaysia đã kêu gọi đầu tư hàng tỉ đô la, một cách khoa học và bài bản, để biến nơi đây thành một thủ phủ mua sắm, vui chơi giải trí cao cấp chủ yếu dành cho khách du lịch. Tức là họ đã nâng tầm giá trị của một khu đất vốn nghèo nàn và không có gì đặc biệt thành một nơi hái ra tiền.

Trong khi đó, đèo Mã Pí Lèng là nơi có phong cảnh độc đáo, là một bộ phận của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà Genting không thể so sánh. Vả lại, nếu xác định đây là khu vực có thể quy hoạch đầu tư cho du lịch, thì phải có dự án đầu tư và trên hết là phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Việc để cho những công trình biệt phủ không phép mọc lên và tồn tại như trường hợp “nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” ở đèo Mã Pí Lèng, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan chức năng và lãnh đạo tại địa phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả