Công thức tẩy trắng của những TikToker 'phông bạt' tiền từ thiện
Dối trá về số tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ để làm màu, đánh bóng tên tuổi, và sau đó chỉ cần một lời 'xin lỗi' để tẩy trắng.
Sau 12.000 trang sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không ít người nổi tiếng bị tố khai gian số tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt để "làm màu", hòng "đánh bóng" tên tuổi. Mới đây, một nữ TikToker lên tiếng thừa nhận về ồn ào "phông bạt" tiền ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3, đang được dư luận bàn tán xôn xao.
Theo đó, cô đã đăng tải một tâm thư rất dài, xin lỗi về hành động của mình. Mở đầu là lời xin lỗi rất chân thành, thông báo bản thân đã nhận ra những lỗi lầm trong thời gian qua: "Em không những làm sai mà còn cố biện minh, lấp liếm cho cái sai của mình", "đây là những hành động tệ hại, gây ảnh hưởng đến mọi người, người thân và làm tổn thương đến những người đã từng yêu quý, theo dõi" cô. Cuối cùng, cô gái coi đây là "bài học lớn nhất cuộc đời", hứa hẹn và cam kết sẽ không bao giờ tái phạm những hành vi tương tự.
Vấn đề là ở chỗ, đây không phải lần đầu tiên cô nàng có những phát ngôn gây sốc, chia sẻ hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Và cũng như lần này, cô gái lại đăng đàn xin lỗi, hứa hẹn, mong được bỏ qua. Phải chăng, đây là công thức "tẩy trắng" của một số TikToker để "xoa dịu" cơn phẫn nộ từ dư luận?
Nếu đã đọc kỹ hai lời xin lỗi dài dằng dặc của nữ TikToker này sau những lùm xùm, dễ dàng nhận thấy được motip chung của lời xin lỗi sẽ là: Viết một bài xin lỗi đầy chân thành; thừa nhận những sai lầm và nêu một vài lý do chống chế; hứa hẹn, cam kết, khẳng định sẽ không lặp lại lỗi lầm. Và khi cơn phẫn nộ của dư luận lắng xuống, vòng lặp mới lại bắt đầu.
Dân gian có câu "Ngựa quen đường cũ", ý chỉ con người có xu hướng lặp lại những thói quen, hành vi đã quen thuộc, dù cho những điều đó có thể là tốt hay xấu. Tôi tự hỏi, liệu trong tương lai nữ TikToker trên có lặp lại kịch bản xin lỗi này lần ba, lần bốn hay không?
Nói cho cùng thì "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", lời xin lỗi của cô nàng lần này có thể vẫn sẽ được nhiều người chấp nhận, vì ai mà chẳng có những lúc nông nổi, bồng bột, hành động thiếu suy nghĩ. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa nếu mỗi người biết nhìn thẳng vào sự thật và "vấp ở đâu đứng lên ở đó". Song, sự gian dối trong việc ủng hộ lần này không chỉ làm xấu đi hai chữ "từ thiện", mà còn là "mầm mống" làm lan truyền những hành vi lừa lọc, tiêu cực vào giới trẻ.
Như vậy, cốt lõi của lời xin lỗi là phải trung thực, thành thật. Đã nhận lỗi rồi thì phải sửa đến cùng, phải có những hành động thiết thực để chứng minh cho "lời hứa hẹn, cam kết sửa sai" của bản thân, chứ không thể để tình trạng "xin lỗi là xong" mãi như vậy được. Nếu sau này, nữ TikToker và cả những người khác vẫn tiếp tục tái diễn "kịch bản" xin lỗi như vừa rồi, thì sẽ ra sao?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận