Công tác đối ngoại địa phương: Thích nghi kịp thời trên tất cả "mặt trận’
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại địa phương là triển khai tốt các nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Chúc mừng Cục trưởng về những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại địa phương trong một năm đặc biệt khó khăn như 2020!
Có thể nói, đại dịch Covid-19 cùng với thiên tai nghiêm trọng trong nước đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của của đời sống xã hội các địa phương.
Với vai trò là cơ quan đầu mối đôn đốc thúc đẩy và điều phối chung về công tác đối ngoại địa phương của Bộ Ngoại giao, Cục Ngoại vụ đã chủ động cùng các đơn vị trong Bộ và các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, phối hợp với các địa phương bám sát và xây dựng mục tiêu đối với các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, nhanh chóng xây dựng phương án giải quyết các tình huống phát sinh, tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” mà Thủ tướng Chính phủ đề ra, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh việc trao đổi đoàn, gặp gỡ, tiếp xúc quốc tế bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương đổi mới phương thức kết nối, quảng bá địa phương và xúc tiến đầu tư, du lịch, lao động. Hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm trực tuyến với sự tham dự của đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thường trú tại Việt Nam và ở ngoài nước đã khẳng định sự nhanh nhạy của các địa phương trong việc thích ứng với hoàn cảnh mới.
Trong năm 2020, các địa phương đã đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận quốc tế với 119 thỏa thuận được ký mới (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019). Kết quả này đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh và tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Đại sứ” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức, như Hội nghị “Gặp gỡ Ấn Độ” (1/2020), “Gặp gỡ Hàn Quốc” (6/2020) và “Gặp gỡ Nhật Bản” (11/2020) đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thiết thực mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại địa phương, là điểm sáng trong hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá với các đối tác nước ngoài, mang lại những kết quả thiết thực.
Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Ngoại giao, các địa phương đã tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Việt Nam đã hỗ trợ cho gần 50 địa phương của 21 nước trên thế giới hàng triệu khẩu trang, đồ dùng bảo hộ, diệt khuẩn… được các đối tác nước ngoài trân trọng và đánh giá cao. Việc làm này vừa thể hiện tinh thần tương trợ lẫn nhau trong thời kỳ khó khăn, lại góp phần củng cố quan hệ với các đối tác.
Có thể nói, sự thích nghi kịp thời trên tất cả các “mặt trận” để ứng phó với những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, chúng ta đã “dĩ vạn biến để ứng vạn biến” thành công.
Công tác đối ngoại địa phương đổi mới như thế nào để phù hợp với đường lối đối ngoại chung của đất nước trong bối cảnh mới?
Để đạt được những kết quả khích lệ nêu trên, trước tiên phải khẳng định đó là nhờ quyết tâm chính trị, sự đổi mới sáng tạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các địa phương. Công tác quảng bá trực tuyến được triển khai một cách thuần thục đã mang lại những kết quả đáng mừng. Điển hình như trong công tác quảng bá đưa vải thiều Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản, tưởng lỡ hẹn vì Covid-19, nhưng cuối cùng đã “tới đích”, đảm bảo được nguồn thu và đầu ra cho người dân trồng vải địa phương.
Tại các sự kiện trực tuyến và trực tiếp do Bộ Ngoại giao tổ chức, Cục Ngoại vụ đã hướng dẫn các địa phương chủ động đề xuất mời Đại sứ và lãnh đạo các tổ chức quốc tế về địa phương mình để cùng phối hợp tổ chức các sự kiện địa phương, hoạt động xúc tiến, quảng bá đầu tư – du lịch; ký kết biên bản ghi nhớ và kết nghĩa hợp tác địa phương để cụ thể hóa các nội dung hợp tác; mở thêm các website giới thiệu về tỉnh bằng nhiều thứ tiếng và thiết lập các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài để chủ động tiếp cận với các đối tác nước ngoài.
Sự chủ động này nhận được ghi nhận và đánh giá rất cao từ các nước đối tác, là cơ sở để đối tác lớn như Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là đối tác hiếm hoi không bị gián đoạn hợp tác trong thời kỳ Covid-19, mong muốn tiếp tục cùng thúc đẩy, đồng hành với các địa phương Việt Nam trong tương lai.
Cục trưởng có thể chia sẻ một số trọng tâm sắp tới của công tác đối ngoại địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ?
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại địa phương là triển khai tốt các nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương, trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tập trung vào một số trọng tâm sau:
Đại dịch Covid-19 có thể kéo dài và diễn biến phức tạp trong năm 2021, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cùng các địa phương triển khai hiệu quả “đối ngoại trực tuyến”, “ngoại giao y tế”, vừa củng cố quan hệ với các đối tác nước ngoài, vừa quảng bá những thành tựu chống dịch và phục hồi kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận